Thực tập chuyên ngành Tâm lý giáo dục

Số tín chỉ: 
5 TC
Mã môn học: 
GDH036
Tính chất: 
Giảng viên phụ trách: 
Thông tin về môn học: 

1. Trình độ: dành cho sinh viên năm thứ 3, 4

2. Phân bố thời gian: 150 tiết (5 TC thực hành), bao gồm:

- Chuẩn bị kế hoạch và xây dựng nội dung thực tập

- Thực tập chính thức tại các cơ sở thực tập

- Hoàn thành các báo cáo tổng kết thực tập

3. Điều kiện tiên quyết:

- Môn học tiên quyết: sinh viên phải tích lũy từ 100 tín chỉ và phải hoàn tất các môn học chuyên ngành bắt buộc

- Các yêu cầu khác về kiến thức, kỹ năng:

+ Sinh viên phải có kiến thức cốt lõi của khoa học xã hội và nhân văn nói chung cũng như kiến thức nền tảng của khoa học giáo dục riêng và đặc biệt là kiến thức chuyên ngành Tâm lí giáo dục.

+ Sinh viên phải có các phẩm chất, kỹ năng cá nhân và nghề nghiệp cũng như kỹ năng xã hội như giao tiếp, làm việc nhóm và sử dụng công nghệ.

+ Sinh viên phải có các năng lực ứng dụng trong thực tiễn xã hội và nghề nghiệp như nghiên cứu tâm lí học, giảng dạy, tham vấn tâm lí và quản lí tại các trường học, các trung tâm, hoặc làm việc tại các cơ quan, đoàn thể xã hội.

4. Mô tả vắn tắt nội dung môn học:

Học phần giúp cho sinh viên có được sự trải nghiệm thực tế về các hoạt động có liên quan đến nghề nghiệp trong tương lai: nghiên cứu, giảng dạy, tham vấn tâm lí,... Từ đó, sinh viên có sự hiểu biết đầy đủ về nghề nghiệp của chuyên ngành Tâm lí giáo dục để có thái độ tích cực và hướng tới nghề nghiệp phù hợp, góp phần hoàn thiện nhân cách nghề nghiệp.

5. Mục tiêu và kết quả dự kiến của môn học:

5.1. Mục tiêu:

Môn học nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng sau:

  • Về kiến thức:

- Hiểu biết các hoạt động của một cơ sở thực tậ: trường học, trung tâm tham vấn tâm lí, tổ chức xã hội, bệnh viện tâm thần, phòng khám tâm thần,… và hoạt động nghề nghiệp nghiệp của một cá nhân cụ thể trong tổ chức đó;

- Hiểu rõ về các hoạt động có liên quan đến nghề nghiệp trong tương lai: nghiên cứu, giảng dạy, tham vấn tâm lí và các công việc khác.

  •  Về kỹ năng:

- Kỹ năng cá nhân: kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc; kỹ năng quản lí thời gian; kỹ năng trình bày và nói chuyện trước công chúng; kỹ năng giải quyết các tình huống thực tế;…

- Kỹ năng nghề nghiệp:

+ Nghiên cứu tâm lí giáo dục: kĩ năng thiết kế đề cương nghiên cứu; kỹ năng xây dựng bộ công cụ nghiên cứu; kỹ năng sử dụng các phương pháp thu thập thông tin; kỹ năng lập kế hoạch thực hiện; kỹ năng thu thập số liệu, xử lí thông tin; kỹ năng viết báo cáo kết quả nghiên cứu;…

+ Đào tạo, huấn luyện, giảng dạy về tâm lí giáo dục: kĩ năng sử dụng, phối hợp hệ thống các phương pháp và hình thức giảng dạy, giáo dục; kĩ năng sử dụng các phương tiện hiện đại trong giảng dạy; kĩ năng giải quyết tình huống sư phạm;…

+ Tham vấn tâm lí: kĩ năng chẩn đoán, đánh giá tâm lí người; kĩ năng tham vấn tâm lí cho cá nhân, nhóm; kĩ năng tiếp cận con người và nhận dạng các cách tiếp cận;…

+ Các công việc khác: kỹ năng chủ nhiệm lớp; kỹ năng xây dựng kế hoạch đào tạo trong nhà trường; kỹ năng thực hiện những nội dung quản lí trong tổ chức; kĩ năng tư vấn tuyển dụng nhân sự; kĩ năng tâm lí trong tổ chức lao động và quản lí nhân sự;…

- Kỹ năng xã hội: kỹ năng giao tiếp; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng sử dụng công nghệ; kỹ năng trình bài báo cáo.

5.2. Kết quả dự kiến/chuẩn đầu ra của môn học:

Sau khi hoàn tất môn học, sinh viên có thể:

+ Trình bày được hoạt động của cơ sở thực tập;

+ Phân tích được các hoạt động có liên quan đến nghề nghiệp trong tương lai;

+ Áp dụng các kiến thức về khoa học giáo dục, tâm lí giáo dục và các khoa học liên quan để phân tích và đánh giá các hoạt động nghề nghiệp của một vị trí công tác cụ thể (nghiên cứu, giảng dạy, tham vấn tâm lí,...;) cũng như các hoạt động của cơ sở thực tập;

+ Đạt được kỹ năng cá nhân, nghề nghiệp và xã hội;

+ Có thái độ đúng mực trong quan hệ với cơ sở thực tập; hợp tác, trợ giúp nhau cùng tiến bộ; yêu ngành nghề, tận tụy với công việc được phân công; có ý thức rèn nghề để chuẩn bị kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu công tác sau khi tốt nghiệp.

6. Nội dung chi tiết học phần thực tập:

6.1. Địa chỉ triển khai nội dung thực tập:

- Các cơ sở giáo dục: trường phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông); trung tâm giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục nghề nghiệp: giáo dục đại học; trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề;…

- Các cơ sở nghiên cứu về lĩnh vực tâm lí - giáo dục: các viện nghiên cứu (viện Nghiên cứu Sư phạm, viện Nghiên cứu Giáo dục,…); trung tâm nghiên cứu (trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Tâm lí học, trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội,…);…

- Các cơ sở tham vấn tâm lí: trung tâm tham vấn, tư vấn tâm lí; bệnh viện tâm thần; viện sức khỏe tâm thần; phòng khám tâm thần;…

- Các cơ sở khác có liên quan đến lĩnh vực tâm lí - giáo dục: công ty tư vấn và đào tạo; công ty tổ chức sự kiện; phòng, ban tuyển dụng nhân sự; bộ phận nghiên cứu tâm lí khách hàng cho các công ty;…

6.2. Nội dung thực tập cụ thể:

Nội dung thực tập chuyên ngành Tâm lí giáo dục theo định hướng nghề nghiệp (nghiên cứu, giảng dạy, tham vấn tâm lí và các công việc khác) cụ thể như sau:

(1) Tìm hiểu (quan sát; nghiên cứu văn bản, tài liệu; nghe báo cáo chuyên đề; trao đổi học hỏi;…) về hoạt động của cơ sở thực tập và hoạt động tác nghiệp của nghề nghiệp nghiên cứu, giảng dạy, tham vấn tâm lí,… trong cơ sở thực tập (theo địa chỉ đã nêu trên).

- Tìm hiểu về hoạt động của cơ sở thực tập;

- Mô tả được hoạt động tác nghiệp của một vị trí công tác, nghề nghiệp mà sinh viên đã lựa chọn để tìm hiểu.

(2) Ứng dụng chuyên ngành tâm lí - giáo dục trong thực tiễn:

- Thực hành kỹ năng nghiên cứu các vấn đề thuộc lĩnh vực tâm lí - giáo dục thông qua các nội dung nghiên cứu sau:

+ Các vấn đề thuộc về các mặt tâm lí cơ bản: nhận thức, trí tuệ, thái độ, cảm xúc, căng thẳng (stress),…

+ Các vấn đề thuộc về nhân cách con người: nhu cầu, hứng thú, động cơ, định hướng giá trị, mô hình nhân cách, tính cách,…

+ Các vấn đề thuộc về kỹ năng: kỹ năng tư vấn tâm lí; kỹ năng sống; kỹ năng quản lí cảm xúc; khó khăn, trở ngại tâm lí;…

+ Các vấn đề thuộc về tâm bệnh: tìm hiểu các dạng bệnh tâm thần, biểu hiện các dạng bệnh tâm thần và liệu pháp chữa bệnh; tìm hiểu xây dựng một ca lâm sàng.

- Thực hành giảng dạy, huấn luyện, tham vấn tâm lí: giảng dạy các môn học thuộc lĩnh vực lĩnh vực tâm lí - giáo dục; huấn luyện, đào tạo các kỹ năng sống; tham vấn tâm lí cho cá nhân, nhóm; chẩn đoán, đánh giá tâm lí người; tiếp cận con người và nhận dạng các cách tiếp cận...

- Thực tập các công tác khác: công tác chủ nhiệm lớp; hoạt động ngoại khóa; tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân tâm thần;… tại cơ sở thực tập.

Kết quả thực hiện các nội dung thực tập được thể hiện trong nhật ký thực tập, báo cáo của cá nhân và báo cáo tổng hợp của nhóm.

7. Tiêu chuẩn đánh giá sinh viên:

Kết quả thực tập của sinh viên được đánh giá thông qua các nội dung sau:

  1. Đánh giá của đơn vị đối với sinh viên thực tập;
  2. Đánh giá của giảng viên hướng dẫn thực tập, trong đó gồm báo cáo thực tập của nhóm và báo cáo thực tập của cá nhân sinh viên;
  3. Đánh giá của nhóm thực tập đối với cá nhân.

8. Tài liệu phục vụ môn học:

8.1. Tài liệu/giáo trình chính

Hồ sơ thực tập chuyên ngành tâm lí giáo dục, khoa Giáo dục.

8.2. Tài liệu tham khảo/bổ sung

  1. Nguyễn Thanh Bình (2010), Giáo trình chuyên đề giáo dục kĩ năng sống, NXB Đại học Sư phạm.
  2. Vũ Cao Đàm (2007), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  3. Trần Thị Minh Đức (2012), Giáo trình tham vấn tâm lí, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  4. Ngô Công Hoàn (chủ biên), Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Thị Kim Quý (2007), Những trắc nghiệm tâm lí (tập 1, 2), NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
  5. Hoàng Mộc Lan (2011), Các phương pháp nghiên cứu tâm lí học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội.
  6. Lomov B.Ph. (2000), Những vấn đề lí luận và phương pháp luận của Tâm lí học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  7. Nguyễn Văn Siêm (2010), Tâm bệnh học trẻ em và thanh thiếu niên, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  8. Trần Trọng Thủy (1992), Khoa học chẩn đoán tâm lí, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  9. Nguyễn Quang Uẩn (2010), Tuyển tập nghiên cứu về Tâm lí - Giáo dục, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
  10. Tổ chức y tế thế giới (1992), Phân loại bệnh quốc tê lần thứ 10 về các rối loạn tâm thần và hành vi, Tổ chức Geneva.

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 12769244

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.