Tọa đàm "Tính cấp thiết cải cách giáo dục trong quá trình hội nhập ASEAN"

Tại buổi tọa đàm, TS. Earl Jude Paul Cleope đã giới thiệu sơ lược về lịch sử của tổ chức ASEAN và những bước tiến nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa các nước trong khối ASEAN trong những năm gần đây. Năm 2015 đánh dấu một bước ngoặt lớn khi cộng đồng chung ASEAN chính thức được thành lập. Cộng đồng này bao gồm 3 trụ cột là Cộng đồng an ninh chính trị (APSC), Cộng đồng kinh tế (AEC) và Cộng đồng văn hóa – xã hội (ASCC). Trong đó, giáo dục được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong xây dựng Cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN.

 

S. Earl Jude Paul Cleope trình bày báo cáo. Ảnh: Việt Thành

Mục tiêu của việc phát triển giáo dục trong cộng đồng chung ASEAN là: 1) Phát triển khung tham chiếu kỹ năng của từng quốc gia và hướng tới khung tham chiếu kỹ năng của khu vực ASEAN; 2)Thúc đẩy sự dịch chuyển ngày càng dễ dàng hơn giữa sinh viên của các nước; 3) Hỗ trợ sự di chuyển của những người lao động có kỹ năng tốt thông qua các sự hợp tác giữa các quốc gia và nỗ lực tạo dựng những tiêu chuẩn chuyên nghiệp về giáo dục; 4) Phát triển chuẩn nghề nghiệp giữa trên năng lực của cộng đồng ASEAN; 5) Khuyến khích sự phát triển của các chuẩn chung về năng lực để thúc đẩy sự hội nhập giữa các quốc gia. Tuy vậy, những mục tiêu phát triển giáo dục kể trên trong khối ASEAN hiện đang phải đối mặt với một số thách thức như: Khoảng cách về giáo dục giữa các nước thành viên vẫn còn khá lớn (về chất lượng giáo dục, trình độ quản lý giáo dục, tài chính cho giáo dục, điều kiện tuyển sinh đầu vào các cấp học…); Sự cộng tác hiệu quả giữa các cơ cấu/hệ thống khác nhau (chẳng hạn như tổ chức ASEAN/AUN và SEAMEO…); Việc công nhận bằng cấp của nhau và quốc tế hóa bằng cấp trong khu vực…

 

Tọa đàm thu hút được các nhà quản lí, học viên cao học, sinh viên đến tham dự. Ảnh: Việt Thành

Về tiến trình hội nhập ASEAN, cộng đồng chung ASEAN chỉ mới được thành lập vào cuối năm 2015. Để ASEAN trở thành một cộng đồng thật sự hướng đến mọi người thì cần phải có những động thái, nỗ lực của các nước thành viên để tăng cường các cam kết hướng tới xây dựng một cộng đồng chung ASEAN; nỗ lực thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa các nước ASEAN – 6 và nhóm CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam); tiếp tục đẩy mạnh hợp tác chéo về giáo dục giữa các nước trong khu vực; thúc đẩy sự phát triển kỹ năng lao động trình độ cao và khuyến khích luân chuyển lao động trong khối. Trong đó, vai trò của nhóm các nước ASEAN có nền giáo dục phát triển là phải tích cực chia sẻ và hỗ trợ các nước còn lại trong khối để nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn khối.

 

TS. Nguyễn Thị Hảo tặng hoa cho S. Earl Jude Paul Cleope. Ảnh: Việt Thành

So với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn là một trong những nước với nền giáo dục phát triển thấp hơn so với tầm khu vực. Do vậy, việc cải cách giáo dục là một yêu cầu tất yếu của Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Xét ở tầm vĩ mô, Việt Nam cần phải tham khảo các khung tham chiếu trình độ của nhiều nước để xây dựng khung tham chiếu chuẩn trình độ quốc gia, và hướng đến đạt chuẩn theo yêu cầu khung tham chiếu trình độ ASEAN. Trong xu thế hội nhập, giáo dục cần phải đào tạo ra những người lao động vừa thấm nhuần bản sắc dân tộc vừa có tinh thần công dân toàn cầu. Các chuẩn về trình độ cần được mã hóa thành các thang đo năng lực trong quá trình đào tạo. Trong đó, tiếng Anh nên được xem là một kỹ năng thiết yếu cần được trang bị cho người lao động, là ngôn ngữ phổ biến trong học thuật và làm việc.

Riêng lĩnh vực giáo dục đại học, Việt Nam cũng nên khuyến khích nhiều trường đại học tham gia vào quá trình kiểm định chất lượng quốc gia và quốc tế, tham gia vào hệ thống các trường đại học ASEAN (hiện tại Việt Nam chỉ mới có 3 Đại học tham gia hệ thống này là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Cần Thơ) để nhận được nhiều sự quyền lợi và sự hỗ trợ từ hệ thống. Việc cải cách cũng không chỉ là sự thay đổi từ cấp vĩ mô mà nên bắt đầu từ chính những thay đổi trong từng nhà trường, từng giảng viên và sinh viên.

Tại buổi tọa đàm, TS. Cleope cũng đã dành nhiều thời gian để trao đổi các vấn đề liên quan tới chủ đề tọa đàm. Các học viên, sinh viên tỏ ra khá quan tâm đến những thách thức mà nền giáo dục ASEAN nói chung và giáo dục Việt Nam nói riêng phải đối mặt trong tiến trình hội nhập. Các câu hỏi xoay quanh một số vấn đề như: làm thế nào để xây dựng khung tham chiếu trình độ quốc gia, làm thế nào để tránh chảy máu chất xám, làm thế nào để quốc tế hóa bằng cấp, các quyền lợi khi tham gia vào hệ thống các trường Đại học ASEAN (AUN) hoặc tham gia kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA…

 

S. Earl Jude Paul Cleope cùng chụp hình lưu niệm. Ảnh: Việt Thành

Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của khoảng 40 người tham dự, bao gồm các giảng viên, học viên cao học, sinh viên đến nghe báo cáo và trao đổi.

Người viết: Đinh Thị Thanh Ngọc

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 12790101

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.