Khoa Giáo dục thông báo đến sinh viên chính quy Thời khóa biểu HK1, NH 2024-2025 (cập nhật ngày 02/08/2024).
Thời khóa biểu có điều chỉnh...
Ngày 30-6, tại Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXHNV) TPHCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Trường ĐH KHXHNV TPHCM tổ chức tọa đàm chủ đề “Giới trẻ Việt Nam hiện nay: thực trạng, những vấn đề đặt ra về văn hoá, giáo dục và những giải pháp”.
Tọa đàm “Giới trẻ Việt Nam hiện nay: thực trạng, những vấn đề đặt ra về văn hoá, giáo dục và những giải pháp”.
Tọa đàm có sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, nhà lý luận, nhà khoa học đầu ngành ở các lĩnh vực khoa học xã hội nhằm đánh giá thực trạng và xu hướng phát triển của giới trẻ hiện nay từ đó gợi mở những vấn đề thực tiễn, đóng góp cho chính sách giáo dục thế hệ trẻ.
Chịu nhiều sự tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài
GS.TS Trần Ngọc Thêm (Khoa Văn hóa học, ĐH KHXHNV TPHCM) nhận định: Đặc điểm nổi bật rõ nhất của giới trẻ là lớp tuổi duy nhất có bản chất dương tính, kéo theo 2 đặc điểm quan trọng là hướng ngoại và năng động. Hướng ngoại thì dễ tiếp thu cái mới và hấp thụ các ảnh hưởng ngoại lai; năng động thì ưa thay đổi, phát triển. Theo GS.TS Trần Ngọc Thêm, cũng do đặc điểm dương tính, hướng ngoại mà trong giai đoạn mở cửa hội nhập, ở giới trẻ xuất hiện nhiều hiện tượng bất thường, phá cách, lệch chuẩn, “gây sốc” cho xã hội, được xem là làm xói mòn những giá trị văn hóa truyền thống, như: chuộng các loại thời trang “sành điệu” với áo hai dây, mốt đầu trọc, hình xăm trổ, quan hệ tình dục trước hôn nhân… (trong những năm 1990 - 2000).
Ngoài ra, một thực trạng đáng lo ngại là hiện tượng ngôn ngữ “tuổi teen”, sùng bái thần tượng nước ngoài, phổ biến yêu đương đồng tính… (từ những năm 2010)… Theo thời gian, nhiều hiện tượng lệch chuẩn này đã trở nên khá bình thường và dần được xã hội chấp nhận. Đây cũng là sự phản ứng của giới trẻ với một số giá trị văn hóa truyền thống đã không còn thích hợp và báo hiệu rằng giới trẻ nói riêng và xã hội nói chung đang có nhu cầu về việc xây dựng giá trị mới, với những chuẩn mực mới.
GS.TS Trần Ngọc Thêm phân tích thêm: “bối cảnh hội nhập đòi hỏi xã hội phát triển đi lên. Và khi cần đi lên thì chính các đặc điểm dương tính, hướng ngoại, năng động của giới trẻ là nền tảng cho sự phát triển, là thế mạnh cần được khai thác và phát huy. Xu hướng hoài nghi, thích kiểm chứng, phản biện của người trẻ cũng là một phẩm chất không thể thiếu cho một xã hội phát triển”.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Khoa Đô thị học, ĐH KHXHNV TPHCM ) nêu nhận định: “Thế hệ trẻ ngày nay rất khác với những thế hệ trước đó. Họ chịu nhiều sự tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài, trong đó có rất nhiều yếu tố tác động hình thành nên khí chất của thanh niên, như: mức sống (ảnh hưởng đến tố chất), công nghệ kỹ thuật (ảnh hưởng đến kỹ năng nghề nghiệp), đa dạng xã hội (ảnh hưởng đến nhân sinh quan)…”.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cũng chỉ ra nhiều hạn chế của một bộ phận không nhỏ thanh niên trí thức hiện nay, như: không có động lực phấn đấu và thiếu cảm hứng sống; thiếu niềm tin bền vững và thiếu nơi gửi gắm niềm tin; thiếu sự tự tin và thiếu tư thế đĩnh đạc; thiếu kiến thức nền văn hóa và xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế này, trong có một nguyên nhân là: “lỗi hệ thống - những vấn đề bất ổn của thể chế dẫn đến hệ quả tác động đến cá nhân và hành vi xã hội. Những hiện tượng quan chức tham nhũng, chạy chức chạy quyền, khoảng cách giàu nghèo ngày càng dãn rộng, nợ công không giảm, cung cách quản lý không hiệu quả, sự thiếu minh bạch… đã tác động trực diện và mạnh mẽ đến ý chí, niềm tin, động lực của những người trẻ”.
Trong tham luận “Giới trẻ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay nhìn từ mối quan hệ cộng đồng - cá nhân”, TS.Nguyễn Văn Hiệu (Khoa Văn hóa học, ĐH KHXHNV) cũng chỉ ra rằng, đối với giới trẻ, lứa tuổi năng động và đặc biệt nhạy bén với cái mới, nhiều giá trị truyền thống dễ trở nên lạc hậu và trở thành sức cản đối với sự phát triển của cá tính. Nếu không có những nhận thức văn hóa căn bản và sự điềm đạm cần thiết, giới trẻ rất dễ cực đoan trong việc phê phán hoặc phá vỡ các chuẩn mực của xã hội truyền thống trong khi họ chưa thực sự đến được, hoặc có được nền tảng của các giá trị mới - điều thực tế cũng rất khó thể có trong một xã hội đang chuyển đổi”.
Cần một cái nhìn rộng lượng
GS.TS Trần Ngọc Thêm cho rằng, giải pháp lên án các hiện tượng lệch chuẩn, giáo dục giới trẻ bảo tồn văn hóa dân tộc một cách chung chung là không thích hợp, bởi lẽ không phải hiện tượng lệch chuẩn nào cũng sai, không phải giá trị văn hóa truyền thống nào cũng tiếp tục còn là giá trị trong giai đoạn mới. “Định kiến đối với giới trẻ và thái độ xem thường giới trẻ của người lớn tuổi sẽ chỉ càng làm cho “bi kịch của sự phát triển” trở nên nặng nề thêm. Cách ứng xử đúng với những hiện tượng lệch chuẩn của giới trẻ phải bắt đầu từ việc khắc phục những sai lệch của chính xã hội. Để có thể theo kịp và đối thoại được với giới trẻ, người lớn tuổi phải bắt đầu từ việc trau dồi năng lực tin học, ngoại ngữ, đặc biệt là “bổ túc” hàng loạt hiểu biết về những giá trị văn hóa mới của nhân loại và quan trọng hơn là phải thực thi hai giá trị dân chủ và pháp quyền, giải quyết dứt điểm ba tệ nạn trầm trọng “của người lớn” là tham nhũng, quan liêu cửa quyền và hối lộ”, GS.TS Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh.
Trong tham luận “Trường phái “Văn hóa và tính cách” và các gợi mở cho vấn đề giáo dục giới trẻ ở Việt Nam”, TS.Ngô Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng ĐH KHXHNV TP cho rằng, muốn tác động đến nhận thức thanh niên hiện nay thì cần thay đổi quan niệm về thanh niên, đặt thanh niên đúng vị trí của họ trong xã hội - cái nhìn “ngựa non háu đá” hay “cá không ăn muối cá ươn” là không phù hợp. Theo TS.Ngô Thị Phương Lan, cần biết khai thác lợi thế về nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo của thanh niên; cần có quan điểm giáo dục nâng cao năng lực thay vì áp đặt, thúc đẩy các phương thức giảng dạy tích cực khơi gợi và phát huy tính chủ động, sáng tạo và cái tôi của thanh niên; cần tạo không gian phù hợp cho các hoạt động của thanh niên, thu hút thanh niên chung tay đóng góp cho xã hội.
PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng phương thức giáo dục hiệu quả nhất là phát huy triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giáo dục nhằm hình thành phẩm chất và phát huy năng lực nội tại của con người: “Bác luôn nhắc nhở phải đào tạo con người cho muôn đời sau trong khi giáo dục của chúng ta hiện nay chủ yếu là để tiếp thu kiến thức ngoại giới, đồng nhất giữa kiến thức và tri thức. Cần bắt đầu từ việc giáo dục để hiểu bản thân, thấu hiểu và thấu cảm bản thân mình thì mới có mô hình và phương thức quản trị bản thân phù hợp”.
Kết luận tọa đàm, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đúc kết ngắn gọn rằng: Cần tạo môi trường tự do cho thanh niên phát triển, phát huy vai trò của thanh niên. Tuy nhiên, trách nhiệm của xã hội càng quan trọng, trong đó không thể bỏ qua vai trò của Đảng - Nhà nước, của tổ chức Đoàn.
Ngọc Tuyết
Nguồn: Website Thành ủy TP.HCM
Khoa Giáo dục
Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132
Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn