Hội thảo quốc tế: Văn hóa học đường đại học Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập

 Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học quốc tế và trong nước đến tham dự như: GS. Arild Tjeldvoll – Đại học Oslo Nauy, GS. Sakamoto & GS. KasaiKazue, Bà Akiko Ikeda – Quỹ Japan Foundation Tp.HCM, GS. B. Seligman – Đại học Boston, Hoa Kỳ, GS.TS. Nguyễn Lộc –Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, PGS.TS. Lâm Nhân – Đại học Văn hoá TP.HCM, TS. Lê Thị Ngọc Thuý – Học viện Quản lý Giáo dục, Hà Nội, PGS.TS. Lê Văn Hảo – Đại học Nha Trang...

Hội thảo thu hút được các đại biểu quan tâm đến tham dự. Ảnh: Việt Thành

    Phía trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM có GS.TS. Võ Văn Sen – Hiệu trưởng, GS.TS. Ngô Văn Lệ - Khoa Nhân học, GS.TSKH. Trần Ngọc  Thêm – Khoa Đông Phương học, GS.TS. Huỳnh Như Phương – Khoa Văn học, TS. Nguyễn Văn Hiệu – Trưởng khoa, TS. Lê Thị Ngọc Điệp, TS. Trương Văn Minh – Phó Trưởng Khoa Văn hoá học, TS. Nguyễn Duy Mộng Hà – Trưởng phòng Khảo thí & Đảm bảo chất lượng, TS. Hoàng Mai Khanh, Trưởng khoa, TS. Nguyễn Thị Hảo – Phó Trưởng Khoa Giáo dục học, TS. Ngô Xuân Điệp – Trưởng khoa Tâm lý học,ThS. Nguyễn Thu Hương – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đạo đức, TS. Trần Văn Thắng – Phó Trưởng phòng Sau đại học, cùng các giảng viên Khoa Văn hoá học, Xã hội học, Giáo dục học, Tâm lý học, Nhân học, Việt Nam học, Bộ mônDu lịch, học viên cao học và nghiên cứu sinh đến tham dự.

GS.TS. Võ Văn Sen phát biểu, điều hành hội thảo. Ảnh: Việt Thành

   GS.TS. Võ Văn Sen đã phát biểu chào mừng và đọc báo cáo đề dẫn hội thảo. Ông nhấn mạnh văn hoá học đường đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển các giá trị cốt lõi, làm nền tảng cho giáo dục người học một cách toàn diện. Trong đó văn hoá học đường là các giá trị hữu hình như đặc trưng môi trường, cảnh quan kiến trúc... của  không gian trường học; và giá trị vô hình gồm phương thức hoạt động, tổ chức quản lý, truyền thống học đường, nề nếp, quan hệ giao tiếp, ứng xử, phương thức sinh hoạt... được xây dựng trong quá trình tương tác giữa các bên tham gia như nhà quản lý, giảng viên, sinh viên, học viên và đội ngũ đào tạo... Quá trình tương tác này tạo ra các giá trị vừa mang tính phổ quát vừa mang tính đặc thù thể hiện qua các hoạt động dạy và học, các hoạt động của tổ chức giáo dục và đào tạo.

GS.TS. Võ Văn Sen tặng quà lưu niệm cho các học giả quốc tế. Ảnh: Việt Thành

   Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, văn hoá học đường cần thay đổi phù hợp với tình hình mới, nếu không sẽ có những xung đột nhất định. Để làm được điều này, văn hoá học đường cần được nhìn nhận lại cơ sở lý luận, tính thực tiễn để xây dựng văn hoá đại học trong bối cảnh mới, một cách đầy đủ, có hệ thống và mang tính tiêu biểu. Đó chính là mục đích của hội thảo “Văn hoá học đường đại học Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập”.

Adam B. Seligman - Đại học Boston, Hoa Kỳ, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành

GS. Arild Tjeldvoll, Đại học Oslo, Na Uy, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Thành

    Với 28 tham luận tập trung vào các chủ đề như: Văn hoá học đường Việt Nam – Cơ sở lý luận, quan điểm tiếp cận, các góc nhìn; Những vấn đề thực tiễn về văn hoá học đường Việt Nam; Văn hoá học đường trong thời kỳ phát triển và hội nhập; Kinh nghiệm từ các nước, trở thành những chủ đề quan trọng cho các đại biểu, các học giả tham dự đưa ra những nghiên cứu, quan điểm nội dung về văn hoá học đường. Từ đây, các vấn đề sẽ được tổng hợp và nghiên cứu một cách hệ thống về văn hoá học đường đại học ở Việt Nam hiện nay.

    Sau báo cáo đề dẫn, hội thảo đã đi vào thảo luận phiên 1, với các vấn đề cơ bản liên quan đến vấn đề lý thuyết, khái niệm căn bản trong nghiên cứu văn hoá học đường như: Văn hoá học đường – một hướng tiếp cận – GS.TS. Ngô Văn Lệ, Những nguyên tắc sư phạm đối với việc tạo sinh các tri thức được chia sẻ - GS. Adam B. Seligman, Văn hoá học đường Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập: Vài nét về con đường từ lý luận đến thực tiễn – GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm, Văn hoá học đường Việt Nam trong bước ngoặt giữa truyền thống Đông – Tây một lợi thế chiến lược? – GS. Arild Tjeldvoll.

    Tại phiên 1, nhiều ý kiến đã được đặt ra cho các diễn giả nhằm làm rõ hơn các vấn đề mang tính khái niệm học thuật, lý thuyết và phương pháp nghiên cứu về văn hoá học đường, kinh nghiệm trong thực hiện công tác văn hoá học đường tại các nước Nhật Bản,  Mỹ hay Na Uy. Nổi bật trong vấn đề nghiên cứu về văn hoá học đường và xây dựng các hệ giá trị văn hoá học đường, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm đã trình bày các vấn đề cốt lỏi như: triết lý giáo dục, sứ mệnh giáo dục, giá trị căn bản, chuẩn đầu ra của giáo dục Việt Nam khá chi tiết. GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm nhận định về giáo dục Việt Nam trên thực tế đến nay cơ bản vẫn là quan điểm “con ngoan trò giỏi”; hướng đến “ngoan” theo nghĩa “vâng lời” cho nên tư duy phản biện không được khuyến khích; hướng đến “giỏi” theo nghĩa “thuộc bài” cho nên sách giáo khoa ở mọi cấp từ phổ thông đến đại học luôn phải được biên soạn sẵn ngắn gọn để có thể học thuộc lòng. Đề thi từ phổ thông đến đại học đều phải có sẵn đáp án đính kèm. Mọi sáng tạo độc đáo khác với đáp án thường bị điểm kém. GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm cho rằng, với phương pháp lấy người thầy làm trung tâm và việc học thuộc lòng đã khiến việc học đại học ở nhiều nơi hiện nay bị xem là “phổ thông cấp 4”...

   Tại phiên 2, các vấn đề học thuật liên quan đến tính thực tiễn của văn hoá học đường được các báo cáo viên đề cập trong các bài nghiên cứu như:Văn hoá tổ chức của trường đại học - Nguyễn Lộc (Viện KHGD Việt Nam), ThS. Nguyễn Việt Hồng (ĐHQG-TP.HCM), Phát triển văn hoá trường đại học phù hợp với yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sơ giáo dục đại học 2017 của BGD&ĐT - PGS.TS. Lê Văn Hảo (ĐH. Nha Trang),Thực tiễn giáo dục hướng nghiệp và văn hoá học đường Việt Nam - GS. Sakamoto, GS. KasaiKazue (ĐH. Hosei, Nhật Bản), Phát triển năng lực văn hoá cá nhân – yếu tố quyết định thành công của văn hoá nhà trường hội nhập – TS. Lê Thị Ngọc Thuý (Học viên Quản lý Giáo dục), Khả năng nói thành thạo ngôn ngữ của người Việt học tiếng Nhật: các quan sát từ chương trình Marugoto trong bối cảnh Việt Nam – Akiko Ikeda ( Quỹ Japan Foundation – TP.HCM), Vài nét về ngôn ngữ và văn hoá ứng xử xưng hô trong giao tiếp ở trường đại học hiện nay – TS. Trần Thị Kim Tuyến (ĐH Sài Gòn)...

   Hội thảo đã nhận nhiều ý kiến mong muốn ban tổ chức cần có các nghiên cứu sâu rộng hơn nhằm làm rõ khái niệm văn hoá học đường trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi, xây dựng các chương trình thực hiện văn hoá học đường phù hợp cũng như việc cần thiết áp dụng vào thực tế để nâng tầm văn hoá đại học Việt Nam hiện nay...

Hội thảo có sự tham gia của các GS, PGS đầu ngành. Ảnh: Việt Thành

    TS. Nguyễn Văn Hiệu – Trưởng khoa Văn hoá học đã thay mặt BTC hội thảo tổng kết các vấn đề chính và ghi nhận các ý kiến đề xuất của đại biểu và các nhà khoa học. Các bài tham luận và ý kiến của đại biểu là cơ sở đề BTC thực hiện các nghiên cứu có qui mô trong thời gian sắp đến. Nhân dịp này, TS. Nguyễn Văn Hiệu gửi lời cảm ơn đến quí đại biểu, các đơn vị cùng phối hợp thực hiện hội thảo.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm. Ảnh: Việt Thành

Tin bài: Việt Thành-K.Văn hóa học

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 12775019

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.