Tọa đàm khoa học: "Giáo dục đặt con người làm trung tâm"

Tham dự tọa đàm có sự hiện diện của TS. Nguyễn Ngọc Thơ – Trưởng phòng, TS. Nguyễn Hoàng Yến - Phó Trưởng P.QLKH-DA; TS. Hoàng Mai Khanh – Trưởng khoa, TS. Nguyễn Thành Nhân, TS. Nguyễn Thị Hảo - Phó Trưởng Khoa, tập thể giảng viên Khoa Giáo dục; giảng viên của nhà trường; Đại học Sư Phạm Tp.HCM, Trường Cán bộ Quản lý giáo dục; Sở GD&ĐT Đồng Tháp, giáo viên các tỉnh Đồng Tháp, Tp.HCM, Bình Dương và học viên cao học cũng như các vị khách mời có quan tâm đến dự.

 

 

TS. Nguyễn Ngọc Thơ phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Việt Thành

Với trọng tâm đi sâu vào lý thuyết và thực tiễn ứng dụng, GS. Garret Thomson đã trình bày khái quát về lý thuyết “Giáo dục đặt con người làm trung tâm” trong đó nhấn mạnh vai trò chủ thể thuộc về người học. Trong phần mở đầu, các vấn đề cốt lõi của giáo dục được đưa ra khá cụ thể, trong đó những hoạt động giáo dục đều phải có những mục tiêu thật rõ ràng.

 

TS. Hoàng Mai Khanh - Trưởng khoa Giáo dục (bìa phải) tặng hoa cho GS. Garret Thomson. Ảnh: Việt Thành 

Đây chính là vấn đề cốt lõi mà phụ huynh, giáo viên và các nhà quản lý giáo dục cần chú trong một cách có hệ thống. Về mục tiêu của giáo dục, GS. Garret Thomson đã trình bày mục tiêu của giáo dục như một công cụ. Trước hết, giáo dục được coi là một phương tiện để đạt được các mục tiêu xã hội khác nhau. Tiếp theo đó, giáo dục là phương tiện để đạt được mục tiêu học thuật. Và cuối cùng quan trọng nhất, giáo dục là phương tiện để phát triển cá nhân con người. Phát triển con người phải là mục tiêu trọng tâm của giáo dục, còn mục tiêu xã hội và học thuật chỉ nên bổ trợ cho mục tiêu này. Con người có giá trị bậc nhất trong số những thứ có giá trị. Vì vậy, sự phát triển con người và cuộc sống “thịnh vượng” cần phải được ưu tiên hơn cả.

Tọa đàm thu hút các giảng viên, nhà nghiên cứu đến tham dự. Ảnh: Việt Thành

Đồng thời, GS. Garret Thomson cũng cho rằng các giá trị này không mang tính công cụ. Vì nếu xem người học là công cụ trong giáo dục để thực hiện mục tiêu, giáo dục sẽ tạo ra sự ép buộc. Chính sự ép buộc này làm mất đi cơ hội để người học cảm nhận được những giá trị đích thực của giáo dục. Chúng ta sống một cuộc sống hạnh phúc vì chúng ta có thể cảm nhận, cảm kích những giá trị, ý nghĩa của những việc chúng ta làm. Giá trị tích cực của giáo dục là phải xem người học với những giá trị nội tại của họ, do vậy, chương trình đào tạo phải được thiết kế để thích ứng với bản thân người học chứ không phải theo chiều ngược lại (người học phải thích ứng với chương trình).

 

GS. Garret Thomson trình bày báo cáo. Ảnh: Việt Thành 

Ngoài ra, Giáo sư còn trình bày khái quát bản chất của học tập, tầm quan trọng của nhân cách và phẩm chất. Từ đó đưa ra ba nguyên tắc chính của “Giáo dục đặc con người làm trung tâm” là:
1. Giáo dục cần đối xử với con người một cách nhân văn, xem con người không chỉ có giá trị công cụ mà còn có những giá trị nội tại.
2. Giáo dục phải nhắm tới sự phát triển con người từ góc độ của sự “thịnh vượng” (giáo dục cần nuôi dưỡng nhân phẩm).
3. Giáo dục phải nhìn nhận và quan tâm con người một cách tổng thể (gồm các khía cạnh khác nhau như khả năng nhận thức, tình cảm, nhân cách…).

Những ứng dụng cơ bản của “Giáo dục lấy người học làm trung tâm” được truyền tải qua giáo trình học, hoạt động dạy và học, đánh giá người học và tạo được một cộng đồng học tập đúng nghĩa.

Trong phần ứng dụng và thảo luận buổi chiều, các thành viên tham dự đã chia thành các nhóm nhỏ thảo luận các câu hỏi được gợi ý. Mọi người chia sẻ kinh nghiệm của mình về giáo dục, các phương pháp giáo dục, khó khăn khi theo đuổi sự nghiệp giáo dục nhân văn và đề ra những giải pháp thiết thực dựa trên triết lý “Giáo dục đặt con người làm trung tâm”.

Sau khi các nhóm kết thúc phần thảo luận, đại diện mỗi nhóm trình bày nội dung thảo luận. Thời gian còn lại dành cho việc đặt câu hỏi và chia sẻ kinh nghiệm từ GS. Garrett Thomson cho một số vấn đề cụ thể mà giáo dục Việt Nam đang quan tâm.

Kết thúc buổi tọa đàm, thay mặt BTC, TS. Nguyễn Hoàng Yến đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Giáo sư Garret Thomson vì sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đối với nhà trường. Các nhà nghiên cứu, các giảng viên tham dự đều mong muốn tiếp tục có những chương trình tiếp nối nhằm đưa triết lý “Giáo dục đặt con người làm trung tâm” vào thực tiễn một cách sâu sắc.

Khoa Giáo dục & P.QLKH-DA

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 12790703

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.