NĂM 2021 KHOA GIÁO DỤC DỰ KIẾN TUYỂN SINH 2 NGÀNH MỚI TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC

Các em học sinh và quý phụ huynh, quý thầy cô thân mến!

Khoa Giáo dục, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM có hơn 20 năm đào tạo cử nhân ngành Giáo dục học, hơn 10 năm đào tào sau đại học ngành Quản lý giáo dục và mới đây là đào tạo sau đại học ngành Giáo dục học.

Bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, Khoa Giáo dục ngoài đào tạo trình độ đại học ngành Giáo dục học như truyền thống, Khoa có dự kiến tuyển sinh thêm 2 ngành mới là Tâm lý học giáo dục và Quản lý giáo dục.

Dưới đây là thông tin chi tiết 3 ngành đào tạo trình độ đại học của Khoa.

Xin gửi thông tin tới các em học sinh, quý phụ huynh và quý thầy cô!

 

A. NGÀNH GIÁO DỤC HỌC

1. Thông tin tổng quan

- Tên ngành: Giáo dục học

- Mã ngành: 7140101

- Đơn vị đào tạo: Khoa Giáo dục

2. Chi tiết ngành đào tạo:

- Tổng quan nội dung về ngành học: Chương trình đào tạo ngành Giáo dục học hướng tới mục tiêu hình thành và phát triển các năng lực thực hiện của một nhà giáo dục 4.0. Chương trình đào tạo trang bị cho người học không chỉ các kiến thức cốt lõi khoa học xã hội-nhân văn - gốc rễ cho sự phát triển các giá trị tiến bộ của giáo dục; những kiến thức, kỹ năng nền tảng, cơ bản, liên ngành và chuyên ngành giáo dục toàn diện và khai phóng để hình thành và phát triển các năng lực về nghiên cứu giáo dục, giảng dạy giáo dục phát triển bền vững, tích hợp SEL, STEAM, giáo dục đặc biệt, công nghệ và giáo dục cũng được xây dựng và tổ chức thực hiện.

 - Mục tiêu đào tạo:

a. Về kiến thức: Chương trình đào tạo trang bị cho người học kiến thức cốt lõi về khoa học xã hội và nhân văn; kiến thức cơ sở ngành và liên ngành của khoa học giáo dục, kiến thức chuyên sâu về xây dựng thực hiện chương trình giáo dục trong và ngoài nhà trường, giáo dục phát triển bền vững và công nghệ số và giáo dục.

b. Về phẩm chất, kỹ năng cá nhân và xã hội: Chương trình đào tạo giúp người học hình thành và rèn luyện các phẩm chất đạo đức, kỹ năng cá nhân và xã hội như tinh thần tự học, thích ứng, trí tuệ cảm xúc, ý thức về sự công bằng trong xã hội cũng như trong giáo dục; phát triển tư duy phản biện và sáng tạo; tăng cường khả năng giao tiếp và hợp tác để thành công trong môi trường làm việc hiện đại.

c. Về kỹ năng thực hành nghề nghiệp: Chương trình đào tạo cung cấp các cơ hội để người học hình thành và phát triển các kỹ năng chủ yếu và kỹ năng bổ trợ trong hoạt động chuyên môn nghề nghiệp như kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề chuyên môn; kỹ năng đánh giá và đề xuất các biện pháp để cải tiến hoạt động chuyên môn trong giáo dục; kỹ năng sử dụng tin học ứng dụng, ngoại ngữ trong hoạt động chuyên môn cũng như trong giao tiếp

d. Về năng lực ứng dụng: Chương trình đào tạo thiết kế và tổ chức để người học hình thành và phát triển các năng lực xây dựng mục tiêu, kết quả đầu ra của quá trình giáo dục; Thiết kế và triển khai thực hiện quá trình giáo dục; Thực hiện được hoạt động đánh giá quá trình giáo dục; phù hợp với bối cảnh, đối tượng người học khác nhau hướng đến các giá trị tiến bộ xã hội.

- Chương trình đào tạo (nêu các khối kiến thức đào tạo):

TT Các khối kiến thức Khối lượng Ghi chú
Số tín chỉ %  
I Khối kiến thức giáo dục đại cương 25 20,8  
II Khối kiến thức cơ sở ngành 30 25,0  
III Kiến thức chuyên ngành 27 22,5  
IV Kiến thức bổ trợ/tự chọn

(sinh viên đủ điều kiện đăng ký làm khoá luận được tính tương đương 10TC tự chọn)

28 23,4  
V Thực tập 10 8,3  
  Tổng cộng 120 100  

- Môn học chuyên ngành (nêu 10 môn): Giao tiếp đa văn hóa trong giáo dục; Giáo dục đương đại trong bối cảnh toàn cầu hóa; Cơ sở nền tảng của chương trình học trong và ngoài nhà trường; Đánh giá và phương pháp dạy học trong và ngoài nhà trường; Cơ sở triết lý và xã hội của công nghệ; Học tập trong thời kỳ công nghệ số; Giáo dục vì sự phát triển bền vững; Những vấn đề cơ sở của giáo dục STEAM; Những vấn đề cơ bản của giáo dục xã hội và cảm xúc (SEL); Quản lý lớp học; Giáo dục đặc biệt.

- Cơ hội việc làm (nêu các lĩnh vực việc làm phù hợp):

+  Nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục, các trung tâm hay viện nghiên cứu giáo dục; trường bồi dưỡng cán bộ QLGD; Các dự án giáo dục

+ Giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, các trung tâm hay viện nghiên cứu giáo dục, trường bồi dưỡng cán bộ QLGD, các trung tâm giáo dục kỹ năng mềm

+ Làm công tác sự vụ hoặc quản lý ở các cơ sở giáo dục các cấp, các cơ quan QLGD, các cơ quan, trung tâm và dự án có liên quan đến văn hóa, xã hội, giáo dục.

+ Xây dựng, tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ở các tổ chức doanh nghiệp có các phòng ban/trung tâm thực hiện các chức năng phát triển chất lượng đội ngũ nhân sự, xây dựng và phát triển chương trình giáo dục và đào tạo

+ Có cơ hội học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ: sinh viên tốt nghiệp cử nhân ngành Tâm lý học giáo dục có cơ hội được xét tuyển học Thạc sỹ, Tiến sĩ tại Khoa Giáo dục và các cơ sở đào tạo khác với các chuyên ngành ngành như: Giáo dục học, Tâm lý học giáo dục, Tâm lý học, Tâm lý học trường học, Công tác xã hội, Tham vấn học đường, Quản lý giáo dục

+ Các vị trí công việc khác phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được đào tạo

- Những tố chất phù hợp: Biết lắng nghe, trung thực, năng động sáng tạo, tinh thần đồng đội, tinh thần học tập tích cực và tự học, tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt…

- Thông tin liên hệ:

 Địa chỉ văn phòng: Phòng A.314, Khoa Giáo dục, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM, Số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP. HCM.

- Điệnthoại: +848 38293828 ext. 132

- Website: http://edufac.edu.vn; Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

- Người phụ trách tư vấn tuyển sinh khi cần liên hệ: TS. Cao Thị Châu Thủy, ĐT: 0979 09.1507; Email: chauthuy@hcmussh.edu.vn

 

B. NGÀNH TÂM LÝ HỌC GIÁO DỤC (dự kiến tuyển sinh năm 2021)

1. Thông tin tổng quan

- Tên ngành: Tâm lý học giáo dục

- Mã ngành: 7310403

- Đơn vị đào tạo: Khoa Giáo dục

2. Chi tiết ngành đào tạo:

2.1. Tổng quan nội dung về ngành học:

Sinh viên ngành Tâm lý học giáo dục được trang bị kiến thức cốt lõi về khoa học xã hội - nhân văn, kiến thức cơ sở ngành, liên ngành và chuyên ngành mang tính toàn diện, khai phóng và đa dạng về Tâm lý học giáo dục nhằm hình thành phẩm chất, kỹ năng cá nhân và xã hội, phát triển năng lực thực hành nghề nghiệp trong lĩnh vực Tâm lý - Giáo dục cũng như các lĩnh vực khác có liên quan, đảm bảo thích ứng với môi trường xã hội hiện đại thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

2.2. Mục tiêu đào tạo:

(1) Về kiến thức: Chương trình đào tạo trang bị cho người học kiến thức cốt lõi về khoa học xã hội và nhân văn; kiến thức cơ sở ngành và liên ngành của khoa học giáo dục, kiến thức chuyên ngành về tâm lý học giáo dục.

(2) Về phẩm chất, kỹ năng cá nhân và xã hội: Chương trình đào tạo giúp người học hình thành và rèn luyện các phẩm chất đạo đức, kỹ năng cá nhân và xã hội như tinh thần tự học, thích ứng, trí tuệ cảm xúc, ý thức công bằng trong xã hội cũng như trong giáo dục; phát triển tư duy phản biện và sáng tạo; tăng cường khả năng giao tiếp và hợp tác để thành công trong môi trường làm việc hiện đại.

(3) Về kỹ năng thực hành nghề nghiệp: Chương trình đào tạo cung cấp các cơ hội để người học hình thành và phát triển kỹ năng chuyên môn và kỹ năng bổ trợ trong hoạt động nghề nghiệp như phát hiện và giải quyết vấn đề về tâm lý học giáo dục; đánh giá và đề xuất các biện pháp để cải tiến hoạt động chuyên môn về tâm lý học giáo dục; sử dụng tin học ứng dụng, ngoại ngữ trong hoạt động chuyên môn cũng như trong giao tiếp.

(4) Về năng lực ứng dụng: Chương trình đào tạo giúp người học hình thành và phát triển năng lực nghiên cứu, giảng dạy và tham vấn tâm lý - giáo dục.

2.3. Chương trình đào tạo

Tổng số tín chỉ là 120, trong đó phân bổ kiến thức như sau (không bao gồm Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng).

STT Các khối kiến thức Khối lượng Ghi chú
Số tín chỉ %
I Khối kiến thức giáo dục đại cương 23 19,2  
II Khối kiến thức cơ sở ngành 38 31,7  
III Kiến thức chuyên ngành 28 23,3  
IV Kiến thức bổ trợ/tự chọn

(sinh viên đủ điều kiện đăng ký làm khoá luận được tính tương đương 10TC tự chọn)

21 17,5  
V Thực tập 10 8,3  
Tổng cộng 120 100  

2.4. Môn học chuyên ngành: Tâm lý học chẩn đoán, Thống kê ứng dụng trong nghiên cứu tâm lý học giáo dục, Tiếng Anh chuyên ngành tâm lý học giáo dục, Lý luận và phương pháp dạy học tâm lý học, Tâm lý học giao tiếp sư phạm, Giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống, Tâm lý và giáo dục giới tính, Tâm lý và giáo dục hành vi lệch chuẩn, Tâm lý học tham vấn 2, Tham vấn học đường, Đánh giá và can thiệp khó khăn hành vi, cảm xúc, xã hội; Đánh giá và can thiệp khó khăn nhận thức, học tập.

2.5. Cơ hội việc làm:

  1. Vị trí việc làm theo định hướng nghiên cứu: làm chuyên viên, cán bộ nghiên cứu khoa học tâm lý tại các Viện nghiên cứu  (Viện Khoa học Xã hội, Viện Tâm lý học, Viện nghiên cứu giáo dục, sư phạm…); trung tâm nghiên cứu (Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Tâm lý học, Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội, Trung tâm khảo thí, kiểm định chất lượng…); nghiên cứu và phát triển chương trình; hướng đến các nghiên cứu quốc tế so sánh và hướng nghiên cứu đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục; tham gia vào việc hoạch định các chính sách liên quan....
  2. Vị trí việc làm theo định hướng giảng dạy: làm giáo viên, giảng viên tại các trường học; cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giáo dục đại học; cao đẳng; trung cấp chuyên nghiệp; viện nghiên cứu; các trường nghề...
  3. Vị trí việc làm theo định hướng tham vấn tâm lý: làm chuyên gia, chuyên viên tham vấn tâm lý tại các trung tâm tư vấn tâm lý, trường học, bệnh viện, viện sức khỏe tâm thần, các tổ chức xã hội, hành nghề độc lập…
  4. Vị trí việc làm theo định hướng công tác quản lý: làm chuyên gia, chuyên viên quản lý đào tạo, học vụ tại các trường học (quản lý đào tạo, quản lý sinh viên, quản sinh, quản nhiệm…), chuyên viên đào tạo, nhân sự, chuyên viên dự án tại các công ty, các cơ quan - tổ chức phi chính phủ…
  5. Vị trí việc làm theo định hướng chuyên viên tư vấn: về du học, hồ sơ tuyển sinh, chương trình học cho học viên của các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tư vấn du học, các công ty hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, giáo dục trong và ngoài nước. Ngoài ra, còn có thể tham gia tư vấn xây dựng và phát triển chương trình đào tạo như các chương trình đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng v.v…, các dự án kinh doanh, các mô hình giáo dục du nhập từ nước ngoài (như Montessori, STEM…) trong xu thế quốc tế hóa/hội nhập quốc tế giáo dục hiện nay tại Việt Nam.
  6. Cơ hội học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ: sinh viên tốt nghiệp cử nhân ngành Tâm lý học giáo dục có cơ hội được xét tuyển học Thạc sỹ, Tiến sĩ tại Khoa Giáo dục và các cơ sở đào tạo khác với các chuyên ngành ngành như: Tâm lý học giáo dục, Tâm lý học, Tâm lý học trường học, Công tác xã hội, Tham vấn học đường, Giáo dục học, Quản lý giáo dục...

2.6. Những tố chất phù hợp: Lắng nghe, trung thực, liêm chính, dấn thân vượt khó, năng động sáng tạo, có kỹ năng giao tiếp, trình bày diễn đạt và tinh thần đồng đội, tinh thần học tập tích cực và tự học, tự nghiên cứu, khách quan, tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt…

3. Thông tin liên hệ:

- Địa chỉ văn phòng: Phòng A.314, Khoa Giáo dục, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM, Số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP. HCM.

- Điệnthoại: +848 38293828 ext. 132

- Website: http://edufac.edu.vn; Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

- Người phụ trách tư vấn tuyển sinh khi cần liên hệ:

TS. Nguyễn Văn Tường, ĐT: 0974.671.049; Email: tuongnguyen@hcmussh.edu.vn

 

C. NGÀNH QUẢN LÝ GIÁO DỤC (dự kiến tuyển sinh năm 2021)

1. Thông tin tổng quan

- Tên ngành: Quản lý giáo dục

- Mã ngành: 7140101

- Đơn vị đào tạo: Khoa Giáo dục

2. Chi tiết ngành đào tạo:

- Tổng quan nội dung về ngành học: Sinh viên ngành quản lý giáo dục được trang bị những kiến thức cốt lõi của khoa học xã hội-nhân văn, kiến thức nền tảng khai phóng, chuyên ngành và liên ngành mang tính toàn diện về Khoa học quản lý giáo dục nhằm hình thành phẩm chất, kỹ năng cá nhân và xã hội, phát triển năng lực lãnh đạo và quản lý, đảm bảo có năng lực đáp ứng yêu cầu chuyên môn cũng như khả năng thích ứng với các yêu cầu xã hội.

- Mục tiêu đào tạo:

  • Kiến thức và lập luận ngành

Chương trình đào tạo trang bị cho người học kiến thức cốt lõi của khoa học xã hội và nhân văn; kiến thức cơ sở ngành, liên ngành, xuyên ngành và chuyên ngành quản lý giáo dục.

  • Kỹ năng, phẩm chất cá nhân và xã hội

Chương trình đào tạo giúp người học hình thành và rèn luyện các phẩm chất đạo đức, kỹ năng cá nhân và xã hội như học tập suốt đời, phát triển tư duy phản biện và sáng tạo; tăng cường khả năng giao tiếp và hợp tác để thành công trong các môi trường làm việc khác nhau đồng thời thúc đẩy trách nhiệm, giá trị công bằng trong giáo dục.

  • Kỹ năng thực hành nghề nghiệp

Chương trình đào tạo cung cấp các cơ hội để người học hình thành và phát triển các kỹ năng chủ yếu và kỹ năng bổ trợ trong hoạt động chuyên môn như giải quyết vấn đề một cách độc lập; lập kế hoạch, triển khai, đánh giá và đề xuất các biện pháp để cải tiến hoạt động chuyên môn trong giáo dục; ứng dụng CNTT và ngoại ngữ trong các hoạt động chuyên môn.

  • Năng lực ứng dụng trong thực tiễn nghề nghiệp

Thông qua sự kết hợp của các kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, chương trình đào tạo giúp người học hình thành và phát triển năng lực phát hiện vấn đề, xây dựng kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá các hoạt động giáo dục để ứng dụng trong thực tiễn nghề nghiệp và xã hội.

- Chương trình đào tạo (nêu các khối kiến thức đào tạo): Chương trình đào tạo gồm 120 tín chỉ (không gồm Giáo dục thể chất và Quốc phòng

STT Khối kiến thức Số tín chỉ Tỉ lệ Ghi chú
I Khối kiến thức giáo dục đại cương 23 19.2%  
II Khối kiến thức cơ sở ngành 31 25.8%  
III Kiến thức chuyên ngành 30  25%  
IV Kiến thức bổ trợ/tự chọn

 

26 21.6% (sinh viên đủ điều kiện đăng ký làm khoá luận được tính tương đương 10TC tự chọn)
V Thực tập 10 8.3%  
  Tổng cộng 120 100  

- Môn học chuyên ngành (nêu 10 môn): Quản lý trường học; Đồ án truyền thông marketing trong giáo dục; Giáo dục so sánh; Đồ án chính sách, lãnh đạo và quản lý giáo dục; Quản lý dự án; Quản lý chất lượng trong giáo dục; Quản trị nguồn nhân lực trong giáo dục; tiếng Anh chuyên ngành; Quản lý cơ sở giáo dục; Lãnh đạo và quản lý giáo dục

- Cơ hội việc làm (nêu các lĩnh vực việc làm phù hợp):

-        Giáo viên tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục (đào tạo kỹ năng, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm…)

-        Chuyên viên, nghiên cứu viên tại các trung tâm, các viện

-        Chuyên viên phụ trách học vụ (đào tạo, công tác sinh viên, học viên) tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập, các tổ chức giáo dục quốc tế.

-        Chuyên viên khảo thí, kiểm định chất lượng, thanh tra giáo dục, quản lý nhân sự tại các cơ sở giáo dục

-        Chuyên viên phụ trách đào tạo tại các văn phòng, trung tâm giáo dục, các tổ chức giáo dục phi chính phủ

-        Chuyên viên làm dự án giáo dục.

-        Tư vấn viên trong các văn phòng, tổ chức cung cấp các dịch vụ giáo dục

-        Khởi nghiệp nhằm cung ứng các dịch vụ giáo dục

-        Giảng viên (sau khi đã đáp ứng đủ yêu cầu về trình độ theo quy định của luật GD đại học)

- Những tố chất phù hợp:  Lãnh đạo và quản lý, chính trực, sáng tạo, thích ứng, hợp tác, đổi mới, học tập suốt đời.

- Thông tin liên hệ:

  • Địa chỉ văn phòng: Phòng A.314, Khoa Giáo dục, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM, Số 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP. HCM.
  • Điện thoại: +848 38293828 ext. 132
  • Website: http://edufac.edu.vn; Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn
  • Người phụ trách tư vấn tuyển sinh: ThS. Hà Văn Tú. ĐT: 0933.863.982; Email: havantu@hcmussh.edu.vn
Tải vềKích thước
PDF icon thong_tin_tuyen_sinh_nam_2021.pdf580.29 KB
Bài viết: 

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 13090213

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.