Thiên nhiên, người thầy ưu việt (phần 1)

Thiên nhiên, người thầy ưu việt (kỳ 1)
Theo nature.com
 
 
 
Trong bối cảnh các chính phủ trên thế giới đang thúc đẩy các chương trình giáo dục mang tính chất dạy trẻ em sớm biết đọc, sớm tiếp cận các phần mềm ứng dụng giáo dục trên máy tính bảng, điện thoại di động, v.v, có những quan điểm khác cho rằng trẻ em vẫn cần những sân chơi ngoài trời, nơi các em tự do thỏa thích nô đùa, khám phá thế giới xung quanh một cách trực tiếp.

Mối nguy của kiểu học “mắt-não-ngón tay”

Mối quan hệ giữa trẻ nhỏ với thế giới vật chất là sự tương tác bùng nổ giữa những tiềm năng sẵn có trong đứa trẻ với những tiềm năng mới mẻ bên ngoài. Nhà thần kinh học phát triển Alison Gopnik mô tả nhận thức ngây thơ của trẻ em đối với thế giới giống như ngọn đèn sáng. Bộ não trẻ nhỏ phát triển cực nhanh, tạo ra 700 kết nối thần kinh trong mỗi giây. Đến ba tuổi, đứa trẻ có 1.000 nghìn tỷ khớp thần kinh, gấp bốn lần bộ não người lớn; nhưng các khớp thần kinh này về sau bị loại bỏ dần.

Trong quá trình phát triển thần kinh, trẻ sẽ khám phá thế giới một cách toàn diện bằng tay, chân và cơ thể, bằng mắt, tai, mũi và miệng. Học bằng vận động cảm giác và sự tiếp xúc trực tiếp với thế giới vật chất là nền tảng cho sự tiến hóa của con người và giúp hình thành bộ não người như ngày nay. Trong cuốn The Ascent of Men xuất bản năm 1973 (Little, Brown), nhà toán học và sinh vật học Jacob Bronowski viết: “Bàn tay là công cụ tiên phong của tâm trí”. Điều mà mọi đứa trẻ khao khát khám phá thực nghiệm đầu tiên chính là con người, sự vật, cây cỏ, các thành viên thân thiết trong gia đình.

Việc trẻ nhỏ tìm hiểu sự vận động của thế giới vật chất và con người một cách hữu hình - dần dần nắm bắt mọi thứ theo nghĩa đen - đi ngược lại quan niệm rằng trẻ em cần sớm tiếp cận với môi trường học tập chỉn chu ngay từ khi dưới sáu tuổi để sau này trở thành các nhà sinh học tổng hợp hay kỹ sư năng lượng mặt trời. Điều đó, như nhà nhận thức học Guy Claxton lập luận, sẽ giản lược việc học các kỹ năng nghe và đọc, nói và viết.

Lối học tập thông qua các phương tiện điện tử phong phú thường được coi là sự bổ sung cần thiết để sửa sai cho quan điểm giản lược như trên. Nhưng ngày nay, khi quá nhiều trẻ em thường xuyên tiếp xúc với thế giới ảo - và thậm chí một số nhà trẻ còn gắn cả bảng trắng điện tử cỡ lớn - các thiết bị điện tử lại thành chủ đề tranh luận nóng đối với giáo dục mầm non. Dù kết luận cuối cùng ra sao thì rõ ràng là trẻ em không thể phát triển một cách toàn diện nếu chỉ dựa vào các trải nghiệm thực tại ảo: thời gian ngồi trước màn hình đã giới hạn trẻ em trong cái mà Claxton gọi là kiểu học “mắt-não-ngón tay”. Cách học này còn có thể ảnh hưởng đến việc học thông qua gặp mặt trực tiếp cũng như những trải nghiệm học tập ngôn ngữ và giao tiếp xã hội, vốn là trọng tâm trong giáo dục mầm non. (Được biết, những chuyên gia công nghệ hàng đầu, như nhà sáng lập Twitter Evan Williams, cũng rất hạn chế con cái họ dùng thiết bị điện tử.)

Các phát hiện mới đây về tầm quan trọng của thể lực và giao tiếp xã hội đối với trẻ nhỏ đang cho thấy sự đúng đắn của những quan điểm cải cách giáo dục hồi đầu thế kỷ 20. Một trong những nhà vật lý nữ đầu tiên của Italy, Maria Montessori (1870-1952) - khi quan sát và nhận ra rằng nhận thức có quan hệ mật thiết với vận động và học tập có quan hệ mật thiết với sự tự chủ - đã nhấn mạnh phương pháp giáo dục dựa trên sự vui chơi và tiếp xúc với thế giới vật chất. Các lớp học kiểu Montessori được ví như phòng thí nghiệm ở các trường đại học. Ở đó, trẻ em tự lựa chọn việc mình làm và tốc độ thực hiện, với những “cộng sự” cũng do chúng tự chọn, còn tài liệu thì được thiết kế cho các thí nghiệm đa chiều. Ví dụ, trẻ ba tuổi có thể chơi và sắp xếp các trụ gỗ kích thước khác nhau, và qua đó học được cách cầm nắm đồ vật một cách tinh tế và hiệu quả, cũng như các kỹ năng khác như suy đoán và so sánh, và cả kiến thức toán cơ bản nữa.

Một triết lý tương tự cũng lan truyền trong các hệ thống giáo dục khác để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ, phản xạ cũng như khả năng tự kiểm soát của trẻ. Chương trình giáo dục cho trẻ em đến bảy tuổi của Phần Lan tập trung vào thể dục dựa trên chơi đùa và giao tiếp - và học sinh 15 tuổi của nước này đứng đầu châu Âu về các môn khoa học và đọc hiểu trong cuộc điều tra của Chương trình Đánh giá học sinh Quốc tế, thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Cấp tiến hơn là mô hình trường rừng, bắt nguồn từ mô hình “nhà trẻ ngoài trời” của nhà cải cách giáo dục Margaret McMillan (1860-1931) cùng nhiều người khác. Mô hình này được du nhập từ Anh sang Mỹ và các nước Scandinavia giữa những năm 1910 đến 1990. “Phòng học” có thể là một bãi đất rừng; “bài học” là nhóm lửa hay nhận dạng côn trùng; phương pháp là chấp nhận rủi ro có giám sát và quan sát tỉ mỉ.

Giáo dục ngoài trời từng là nguồn cảm hứng cho các nhà sinh học, từ Charles Darwin đến E.O. Wilson, và mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho cuộc sống cũng như công việc của chúng trong tương lai. Một nghiên cứu về các trường rừng ở Anh, do Ủy ban Lâm nghiệp đặt hàng Cơ quan Nghiên cứu Rừng [thuộc Ủy ban này] và Quỹ Kinh tế mới [một tổ chức tư vấn chính sách nhằm thúc đẩy công bằng xã hội, kinh tế, và môi trường], đã nhận thấy những tiến bộ trong sự tự tin, khả năng tập trung, kiểm soát vận động, kỹ năng làm việc nhóm ở trẻ em. Trường rừng cũng cung cấp những minh họa trực quan cho các hiện tượng trừu tượng như chu kỳ sự sống, chuỗi thức ăn và tính trạng vật chất (chẳng hạn như tại sao gỗ bị xém đen trong lửa).

Thiên nhiên là môi trường giảng dạy ưu việt, như nhận định của nhà sinh thái học xã hội Stephen Kellert. Đồng cỏ hay bờ biển là một trải nghiệm nhập vai hấp dẫn và thử thách trẻ em về mọi mặt, từ thể chất, xã hội, nhận thức đến cảm xúc. Phức tạp và bất ngờ, một khung cảnh mưa, gió, chim bay, bùn lầy và lá rơi… giúp thổi bùng trí tò mò, chưa kể mang lại một sân chơi miễn phí với vô vàn chi tiết nhỏ và những chân trời rộng mở.

Nhưng trong thời đại mà thiên nhiên hoang dã phải nhường chỗ cho đường nhựa với giao thông tấp nập, những nơi an toàn để chơi đùa (và học ngoài trời) càng trở nên quan trọng trong vai trò làm chỗ nghỉ ngơi và khám phá thử thách cho trẻ em. Vui chơi “có chất lượng” cần rèn luyện được các giác quan, trí tuệ, giao tiếp xã hội, thể lực và các kỹ năng vận động của trẻ, cả về lượng và chất. Việc đó đòi hỏi phải có không gian được thiết kế để đáp ứng các nhu cầu và hành vi của trẻ, như nhận xét của Günter Beltzig, nhà thiết kế không gian vui chơi.

Tuy các nhà lý luận giáo dục, giáo viên, các nhà quản lý giáo dục và các bậc phụ huynh tranh luận không ngừng về sự cần thiết của việc đọc, làm tính và thi cử ở trẻ em dưới tám tuổi, đôi lúc chúng ta lại quên mất rằng thiên nhiên cũng là một môi trường nuôi dưỡng con người quan trọng. Chúng ta phát triển với tư cách là một giống loài nhờ có trí tò mò mạnh mẽ - là động lực trong mọi phát kiến của nhà khoa học trong mỗi thế kỷ qua – trong quá trình chơi đùa, khám phá thế giới. Những thực tại vật chất nguyên sơ đến nay vẫn còn rất nhiều điều để dạy chúng ta theo cách này hay cách khác.

(Còn tiếp)

Hoàng Minh dịch

Nguồnhttp://www.nature.com/nature/journal/v523/n7560/full/523286a.html

Library categories: 

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 10664918

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.