Hội thảo quốc tế: Giáo dục sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực xuyên văn hoá

Hội thảo quốc tế: Giáo dục sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực xuyên văn hoá

Sáng ngày 26/10/2016 tại trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM đã tổ chức hội thảo quốc tế "Người giáo viên sáng tạo" lần III với chủ đề "Giáo dục sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực xuyên văn hoá" tại TP.HCM.

Hội thảo được tổ chức là kết quả của sự hợp tác của Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM, Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á – TP.HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, Sở GD-ĐT Đồng Tháp, Viện Đào tạo nghệ thuật vùng Nam Tagalog - Philippines, với các hoạt động học thuật, giao lưu văn hoá nghệ thuật tại TP.HCM và chương trình homestay tại Đồng Tháp. Hội thảo đón chào các đại biểu đến từ Philippines, Thái Lan và Việt Nam đến tham dự.

 

Đại diện Trường ĐHKHXH&NV- ĐHQG-HCM có PGS.TS. Võ Văn Sen - Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Ngọc Thơ - Trưởng phòng QLKH-DA, TS. Hoàng Mai Khanh - Trưởng khoa Giáo dục, đại diện trường ĐH Nguyễn Tất Thành có PGS.TS. Nguyễn Lộc, PGS.TS; đại diện Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á – TP.HCM có PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân; ThS. Nguyễn Thuý Hà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp cùng các giảng viên Khoa Giáo dục, Học viên cao học, Nghiên cứu sinh, sinh viên cùng tham dự.

 

 

Hội thảo hân hạnh đón các học giả, đại biểu đến từ Việt Nam, Thái Lan, Philippines. Ảnh: Việt Thành

 

Thay mặt Ban Giám Hiệu nhà trường, PGS.TS. Võ Văn Sen - Hiệu trưởng nhà trường đã có phát biểu chào mừng và cảm ơn các đại biểu đến từ Philippines, Sở GD-ĐT Đồng Tháp, ĐH Nguyễn Tất Thành, Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á đã đến tham dự hội thảo. PGS.TS. Võ Văn Sen nhấn mạnh đến chữ "Malikhaing Guro" được hiểu là "Người giáo viên sáng tạo". Một phong trào được khởi xướng năm 1995 bởi Viện nghiên cứu và Đạo tạo nghệ thuật vùng Nam Tagalog - Philippines (Art Research & Training Institute in Southern Tagalog, Incorporarted (ARTIS INC) nhằm giúp các nhà giáo dục đổi mới việc dạy học và học một cách sáng tạo hơn qua việc tích họp các môn nghệ thuật. Từ đó, PGS.TS. Võ Văn Sen cũng nhấn mạnh đến đến nhận định của Erich Fromm - nhà triết học, tâm lý, xã hội học người Đức rằng "sáng tạo đòi hỏi sự can đảm để buông bỏ những điều chắc chắn" để đi tìm cái mới đế nhấn mạnh đến việc người giáo viên cần buông bỏ nhiều điều chắc chắn mà hướng đến giáo dục sáng tạo. Giáo dục đã tồn tại từ ngàn xưa nhưng giáo dục không thể giữ mãi bộ mặt xưa cũ mà là giáo dục đổi mới và sáng tạo làm nên sự thay đổi - thay đổi một con người, một cộng đồng, một xã hội và cả thế giới. Từ đây, PGS.TS. Võ Văn Sen cho rằng nhà trường cần phải làm công việc cung cấp phương tiện cho sự tiến lên không ngừng của người học.

 

 

PGS.TS. Võ Văn Sen phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Việt Thành

 

Ông Edward Perez - Giám đốc Viện nghệ thuật vùng Nam Tagalog - Philippine, phát biểu chào mừng. Ảnh: Việt Thành

 

Bên cạnh đó, việc giáo dục với điểm giỏi toán, lý, hoá nhằm bài thi lý thuyết đúng đắn, cách dạy này đang làm giảm đi sự sáng tạo của người học. Từ đó, việc nhìn nhận nỗ lực của giáo dục dân chủ và sáng tạo đã được thực hiện qua các dự án "Học tập qua kịch nghệ", "Nghệ thuật trong trường học", các dự án STEAM (Science, Technologies, Engineering, Arts and Math). Hoạt động sáng tạo cho phép học sinh theo đuổi hứng thú, phát triển thế mạnh của mình. Kết hợp với các hoạt động khám phá, sáng tạo, nghệ thuật với việc học tập đào sâu lý thuyết là một nghệ thuật dạy học. Điều này đang được chúng ta tìm kiếm, hướng đến một nền giáo dục sáng tạo.

 

Những điều này được PGS.TS. Võ Văn Sen hy vọng được các giảng viên từ Philippines và Việt Nam, Thái Lan cũng chia sẻ và đào sâu thêm nhiều vấn đề khác nhằm tìm kiếm những phương pháp tốt giúp cho giáo dục sáng tạo.

 

Phiên toàn thể dưới sự điều khiển của chủ toạ đoàn do PGS.TS. Võ Văn Sen - TS. Joan Christi Trocio. Ảnh: Việt Thành

 

TS. Bienvenido L. Lumbera đã báo cáo tại hội thảo về tầm ảnh hưởng của văn hóa đối giáo dục trong thời đại toàn cầu hóa. Cần có tiếp cận sáng tạo nhằm thúc đẩy người giáo viên sáng tạo và đổi mới, việc có sự hiểu biết sâu (chuyên ngành) và văn hóa, bản sắc văn hóa là hết sức quan trọng. Đó chính là yếu tố nền tảng để giúp sự sáng tạo được liên tục và đổi mới.

 

TS. Bienvenido L. Lumbera - đến từ Philippines trình bày tham luận. Ảnh: Việt Thành 

GS. TS. Trần Khánh Đức đã có bài báo cáo về nhà trường thông minh/giáo dục sáng tạo xã hội hiện đại. Báo cáo này nhấn mạnh đến tính khai sáng, sự dẫn dắt và sự thúc đẩy sẽ làm cho xã hội, nhà trường phát triển hơn. Cốt lõi của nhà trường thông minh không phải là trang bị hiện đại, sách giáo khoa điện tử mà là hoạt động sáng tạo mới là điều quan trọng nhất. Nhà trường muốn phát triển phải có tính sáng tạo và thích ứng; hoạt động tái tạo chuyển sang dạy học kiến tạo, sáng tạo mới là bước chuyển đánh giá chất lượng của nhà trường.

 

 

GS. TS. Trần Khánh Đức trình bày tham luận. Ảnh: Việt Thành

Với chủ đề "Giáo dục sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực xuyên văn hoá" hội thảo quy tụ có 70 bài tham luận xoay quanh các vấn đề sau:
- Đào tạo người thầy sáng tạo vì sự xây dựng bản sắc và phát triển cộng đồng ASEAN;
- Vai trò, tầm quan trọng của giáo dục và văn hoá trong quá trình xây dựng và phát triển cộng đồng ASEAN trên các bình diện kinh tế, giáo dục, văn hoá và xã hội;
- Phát triển nội dung giáo dục văn hoá ASEAN cho học sinh và sinh viên ASEAN trong chương trình đào tạo;
- Đào tạo nguồn nhân lực xuyên văn hoá lĩnh vực giáo dục, văn hoá - nghệ thuật và du lịch;
- Những vấn đề liên quan đến giáo dục sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực xuyên văn hoá;
Hội thảo lần này ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các giảng viên, các nhà giáo dục, học giả, nghệ nhân từ cộng đồng ASEAN tham gia vào hành trình cách tân giáo dục, thúc đẩy và phát triển một nền văn hoá sáng tạo, nâng cao hiểu biết về giáo dục và văn hoá ASEAN, xây dựng các mạng lưới các nhà nghiên cứu, văn hoá, nghệ thuật trong khu vực nhằm cải tiến một cách sáng tạo việc dạy - học để tạo nguồn nhân lực xuyên văn hoa chất lượng cao.

Ngay sau ngày hội thảo 26-/10/2016 tại trường ĐHKHXH&NV, hội thảo tiếp tục tổ chức tại ĐH Nguyễn Tất Thành trong ngày 27/10/2016. Trong khuân khổ hội thảo, Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á – TP.HCM tổ chức buổi Gala dinner với chủ đề “Tình hữu nghị trong ASEAN: Việt Nam – Philippines” nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 1976-2016 vào lúc 18h-21h ngày 26/10/2016. Ngày 27/10/2016, tại ĐH Nguyễn Tất Thành đã diễn ra buổi giao lưu văn nghệ với các nghệ nhân đến từ Philippines.

Hoạt động của hội thảo tiếp tục với chương trình homestay tại Đồng Tháp ngày 28-29/10/2016. Buổi giao lưu văn hóa – nghệ thuật Việt Nam – Philippines do Sở GD&ĐT Đồng Tháp tổ chức vào lúc 10h ngày 29/10/2016 tại Cao Lãnh và kết thúc hội thảo.

 

 

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 10466510

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.