Khoa Giáo dục thông báo đến sinh viên chính quy Thời khóa biểu HK1, NH 2024-2025 (cập nhật ngày 02/08/2024).
Thời khóa biểu có điều chỉnh...
Đổi mới đào tạo giáo viên, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục Việt Nam
Ngày 27-12-2014, Khoa Giáo dục, Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục Việt Nam”.
Hội thảo có sự tham dự của GS.TS Nguyễn Lộc (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; PGS.TS Ngô Minh Oanh (Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục - ĐH Sư phạm TP.HCM); PGS.TS Lê Quang Sơn (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng); PGS.TS Trần Khánh Đức (Viện Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Bách Khoa Hà Nội); TS Nguyễn Quốc Chính (Trưởng ban Đào tạo ĐH&SĐH, ĐHQG TP.HCM); ThS Đặng Thị Thùy Linh (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM)… Về phía trường ĐHKHXH&NV có sự tham dự của TS Ngô Thị Phương Lan (Phó Hiệu trưởng trường Đại học KHXH&NV- ĐHQG TP.HCM); TS Hoàng Mai Khanh (Trưởng Khoa Giáo dục); ThS Đặng Thanh Thúy (Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Dự án) cùng đông đảo các giảng viên, các nhà nghiên cứu, học viên cao học, cựu sinh viên, sinh viên của các trường Đại học, các Viện nghiên cứu, Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường phổ thông…
Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, TS Ngô Thị Phương Lan - Phó Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM đã khẳng định: “Để đáp ứng nhu cầu đổi mới và nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục phổ thông trong bối cảnh Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, việc cải tiến đào tạo đội ngũ giáo viên vững về chuyên môn là một giải pháp đột phá trong “Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020” của Bộ GD-ĐT. Trong công cuộc này, vị trí người thầy rất quan trọng, người thầy không chỉ cung cấp kiến thức mà quan trọng hơn là người truyền ngọn lửa đam mê sáng tạo, khơi dậy những tài năng, gieo mầm các giá trị đạo đức của xã hội cho các thế hệ tương lai.”
Các bài tham luận hội thảo xoay quanh hai vấn đề lớn. Vấn đề thứ nhất là các nghiên cứu về vai trò của người thầy, các yêu cầu về năng lực “toàn diện” của giáo viên, từ đó các tác giả bàn luận về việc đổi mới chương trình đào tạo của giáo viên. Vấn đề thứ hai được hội thảo tập trung bàn đến là sự thay đổi mang tính vĩ mô về mô hình đào tạo giáo viên, các vấn đề chính sách và quản lý đối với giáo viên.
Tại phiên toàn thể khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Lộc, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã trình bày báo cáo chính: “Khi chất lượng giáo viên của một hệ thống giáo dục không thể vượt hơn chất lượng của chính giáo viên của nó”. Báo cáo được dẫn nhập từ kết quả nghiên cứu nổi tiếng của nhà nghiên cứu người Mỹ James. S. Coleman vào thập niên 60 của thế kỷ XX, trong đó đã chỉ ra rằng các tác động như tăng tiền đầu tư cho giáo dục, giảm sỉ số học sinh, cung cấp trang thiết bị… gần như không có hoặc có rất ít ảnh hưởng đến thành tích học tập của học sinh. Trong khi đó, những nghiên cứu của PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) đã chỉ ra vấn đề giáo viên luôn là can thiệp quan trọng trong sự thành công của cải cách giáo dục. Báo cáo đã hệ thống hóa những nội dung quan trọng của các tiếp cận đa dạng và giá trị về đặc trưng của công tác giáo viên như vị thế giáo viên, tuyển chọn cho đào tạo, tuyển dụng giáo viên, lương giáo viên và đào tạo bồi dưỡng. Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới và liên hệ thực tiễn Việt Nam, báo cáo đã đưa ra các đề xuất đổi mới đối với vấn đề giáo viên, bao gồm việc nâng cao vị thế cho nghề giáo viên; tuyển sinh ngành sư phạm chặt chẽ, có chính sách ưu tiên phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực hàng đầu; tuyển chọn giáo viên khắt khe hơn, chú ý dến việc kiểm tra năng lực chuyên môn và động cơ nghề nghiệp; tùy theo mức độ phát triển của giáo dục mà lương giáo viên được thiết kế phù hợp.
PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện Nghiên cứu Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM đã trình bày báo cáo: “Đào tạo giáo viên hiện nay: Những bất cập và đề xuất đổi mới”. Báo cáo đã chỉ ra những hạn chế về hình thức, nội dung, chương trình đào tạo và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm trong đào tạo giáo viên ở Việt Nam hiện nay và những kinh nghiệm đào tạo giáo viên của một số nước tiên tiến.
Báo cáo “Đào tạo người thầy “toàn diện” của nhóm tác giả TS Vũ Quang Tuyên (ĐH KHTN-ĐHQG TP.HCM) và TS Hoàng Mai Khanh (Khoa Giáo dục, ĐH KHXH&NV) đã nhấn mạnh hình ảnh người thầy chất lượng cao - người thầy “toàn diện” có ảnh hưởng tích cực và quan trọng nhất với sự thành công của người học. Báo cáo cũng trình bày các yếu tố then chốt làm nên một người thầy “toàn diện” xét trên các chiều kích phẩm chất, sư phạm và kiến thức chuyên môn. TS Vũ Quang Tuyên còn đưa ra một mô hình chi tiết về các yếu tố chính như kiến thức chuyên môn, kiến thức sư phạm, khả năng nghiên cứu và thực hành, đặc biệt là phẩm chất người thầy, sự đam mê, sáng tạo trong nghề.
Ngoài ra, PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng đã giới thiệu một cách tiếp cận khác về đào tạo giáo viên với tham luận “Đào tạo giáo viên nhìn từ tiếp cận giá trị - nhân cách”. Báo cáo đã trình bày việc hình thành nhân cách nghề nghiệp nhà giáo, vận dụng tiếp cận giá trị-nhân cách góp phần thay đổi tư duy đào tạo theo hướng tập trung hình thành các giá trị nghề nghiệp; việc tuyển sinh đại trà cần thay thế bằng tuyển chọn sâu theo tiêu chí hệ giá trị nghề nghiệp cốt lõi; kéo dài thời gian đào tạo để tập trung hình thành các giá trị nghề nghiệp; đổi mới quy trình và phương pháp đào tạo.
PGS.TS Trần Khánh Đức, Viện Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Bách Khoa Hà Nội trình bày báo cáo “Cải cách sư phạm và đổi mới căn bản mô hình đào tạo giáo viên”. PGS.TS Trần Khánh Đức đã tập trung phân tích cấu trúc nhân cách nghề nghiệp, vai trò của người giáo viên trong lao động sư phạm và những yêu cầu đặt ra đối với người giáo viên trong xã hội hiện đại, đề xuất các biện pháp cải cách sư phạm và chuyển đổi mô hình đào tạo giáo viên THPT. Theo đó, việc cải cách tuyển sinh, diện và trình độ đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, về chính trị-xã hội và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành và phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên là điều quan trọng và cấp bách.
Phần thảo luận tại Hội thảo diễn ra khá sôi nổi với khá nhiều ý kiến đóng góp, phản biện và tranh luận đối với các tác giả để làm rõ nhiều vấn đề trong các báo cáo. Bàn về tuyển sinh đầu vào của SV ngành sư phạm, giảng viên Cao Văn Quang, Khoa Công tác xã hội, Trường ĐH KHXH&NV- đặt vấn đề cần thay đổi phương thức tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm, nên có những chuẩn đầu vào riêng đối với ngành này, tìm hiểu năng lực, sở thích, động cơ của thí sinh để chọn được người phù hợp. Bên cạnh đó, vấn đề thực tập sư phạm cho sinh viên ngành Sư phạm cũng nên được thực hiện từ sớm và có mô hình thực tập tốt hơn, với thời gian nhiều hơn.
Sinh viên Lê Thị Mỹ Trinh (Bộ môn Nhật Bản học, ĐHKHXH&NV) đã đặt vấn đề: “Cái tâm rất quan trọng đối với nghề giáo, nhưng làm thế nào để đào tạo được cái Tâm trong đào tạo người thầy toàn diện và làm sao để đánh giá cụ thể về yếu tố này?”. Cũng từ những ý kiến phản biện này của các đại biểu, TS Nguyễn Quốc Chính khẳng định: Việc xây dựng bộ chuẩn đầu ra cho ngành sư phạm là điều vô cùng cần thiết, đây sẽ là cơ sở cho việc thiết kế chương trình đào tạo giáo viên đảm bảo tính toàn diện và hệ thống. Sau buổi hội thảo này, ĐHQG TP.HCM sẽ tiến hành nghiên cứu đề tài về bộ chuẩn đầu ra cho cử nhân sư phạm.
Một số đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn rằng đã có nhiều hội thảo về đổi mới đào tạo giáo viên được tổ chức ở nhiều địa phương, trường đại học, nhưng liệu những ý kiến thảo luận này, các nghiên cứu này có đến được với các cấp quản lý và tạo được sự thay đổi thực tế hay không? TS Nguyễn Quốc Chính cũng đã khẳng định: “Các cấp quản lý chắc chắn là có lắng nghe, nhưng việc thực hiện được hay không thì còn tùy thuộc vào bối cảnh. Trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà giáo là phải quyết liệt hơn nữa, đóng góp ý kiến mang tính thuyết phục hơn nữa để cung cấp thêm nhiều thông tin cho các cấp quản lý và thực hiện trách nhiệm tư vấn cho các cấp quản lý. Các đề xuất mang tính khoa học từ các hội thảo kết hợp với những đề xuất mang tính chính quyền từ các cấp như Sở GD-ĐT, ĐHQG TPHCM sẽ có tác động đến sự đổi mới đào tạo, nâng cao chất lượng giáo viên trong bối cảnh hiện nay.”
Phiên buổi sáng kết thúc với tham luận của TS Nguyễn Khánh Trung, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) phác họa bức tranh nghề nghiệp của người giáo viên trong thực tế giáo dục tiểu học ở Việt Nam và Phần Lan trong báo cáo “Vai trò của giáo viên trong giáo dục Việt Nam và Phần Lan”. Các báo cáo đã cho thấy vai trò hết sức quan trọng của người giáo viên đối với chất lượng giáo dục nói chung nhưng hiện tại, việc đào tạo giáo viên tại Việt Nam có nhiều bất cập, thụ động khi phải luôn theo sau việc đổi mới chương trình đào tạo phổ thông. Yêu cầu đổi mới đào tạo giáo viên cả về đổi mới tư tưởng, nhận thức về lao động sư phạm lẫn đổi mới mô hình đào tạo giáo viên là yêu cầu hết sức cấp thiết hiện nay.
Trong chương trình buổi chiều, hội thảo tiếp tục với hai phiên song song tại D201 và D202 và một phiên toàn thể. Tại các phiên song song, các tham luận được tiếp tục trình bày là “Tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng sống trong chương trình đào tạo sinh viên ngành sư phạm” (ThS Trần Thị Kim Huệ); “Phát triển năng lực ứng dụng ICT trong dạy học cho sinh viên sư phạm thường xuyên” (ThS Thái Hoài Minh, Khoa Hóa học, trường ĐH Sư phạm TP.HCM và ThS Kiều Phương Hảo, Khoa Hóa học, ĐH Sư phạm Hà Nội 2); “Đào tạo đội ngũ giáo viên có năng lực-yêu cầu cấp thiết của đổi mới giáo dục hiện nay” (ThS Nguyễn Thị Xuân Mai); “Bổ sung năng lực đa văn hóa và học tập suốt đời cho các chương trình đào tạo giáo viên thời đại hội nhập” (ThS Nguyễn Duy Mộng Hà), “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 và vấn đề đào tạo giáo viên” (TS Bùi Việt Phú).
Tại phiên toàn thể tiếp theo sau đã triển khai thực hiện báo cáo: “Đổi mới giáo dục và công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên” của TS. Vũ Lan Hương; “Trường đào tạo giáo viên trung học trong đại học tổng hơp – Một mô hình đang được nhân rộng tại Việt Nam” của TS. Phạm Thị Lan Phượng;
Bên cạnh những tham luận đã được trình bày tại Hội thảo, còn rất nhiều tham luận khác được được xuất bản trong Kỷ yếu hội thảo có chỉ số ISBN “Đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục Việt Nam” đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp góp phần đổi mới chương trình, chất lượng đào tạo giáo viên như: “Những vấn đề đào tạo và tuyển dụng giáo viên ở các nước Đông Bắc Á: Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” (TS Dương Minh Quang); “Giải pháp về đào tạo giáo viên ở Việt Nam” (TS La Thị Thanh Thủy); “Những cơ sở pháp lý về đội ngũ giáo viên và định hướng phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” (ThS Hà Văn Tú); “Vai trò, nhiệm vụ của người cán bộ quản lý giáo dục trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên” (TS Phạm Bích Thủy)…
Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS. Hoàng Mai Khanh, bày tỏ lòng cảm ơn đến các nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên đã quan tâm và tham dự Hội thảo; đồng thời khẳng định kết quả của hội thảo không chỉ có đóng góp về mặt khoa học mà còn tạo ra sự kết nối giữa nhiều nhà khoa học và cơ sở đào tạo, nghiên cứu để tạo nên sức mạnh đóng góp vào sự thay đổi đối với vấn đề đổi mới đào tạo giáo viên.
Bài, ảnh: Thanh Tú, Hoàng Hải
Khoa Giáo dục
Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132
Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn