Hiểu giá trị bản thân và giá trị đồng tiền

Trên các phương tiện truyền thông, trẻ em nghe ra rả những câu như: nếu dùng nước hoa này thì “đẳng cấp”, sử dụng dầu gội kia thì “phong cách”, mang túi xách nọ thì “người khác phải ngước nhìn”, đi xe loại kia thì “sang chảnh”... Nếu như nghe một lần thì không việc gì, nhưng nghe quá nhiều lần, lặp đi lặp lại thì quả là trẻ sẽ bị ám ảnh.

1. Có thời gian dạy lớp 7 tại một trường cấp II ở Q.Thủ đức (TP.HCM), tôi đã thử tìm hiểu học sinh của mình cảm nhận về cuộc sống như thế nào.

Tôi chia lớp làm hai nhóm, một nhóm vẽ một cái cây với những từ ngữ biểu hiện giá trị vật chất, giá trị ảo, có thể mất đi theo biến động của thời cuộc. Nhóm hai vẽ một cái cây với những từ ngữ biểu hiện giá trị thật, giá trị đạo đức của con người, tồn tại gần như vĩnh viễn trong cuộc đời mỗi con người. Không ngờ các em đã đưa ra những nhóm từ rất đúng.

Nhóm thứ nhất đưa ra những từ như: địa vị xã hội, chức tước, quyền lực, nhà lầu, xe hơi, điện thoại, tiền bạc, đá quý... Nhóm thứ hai đưa ra những từ như: yêu thương, hợp tác, tôn trọng, trách nhiệm, đoàn kết, bao dung, tha thứ, giúp đỡ, nhân ái...

Cho các em trong ba lớp khối 7 mà tôi dạy chơi trò chơi này, tôi thấy ở độ tuổi 12-13 các em đã có thể phân biệt được đâu là giá trị ảo và đâu là giá trị thật của con người.

Theo những công trình nghiên cứu tâm lý trước đây, trẻ khoảng 5-8 tuổi sẽ luôn băn khoăn: “Mình là ai? Mình từ đâu tới?”. Trẻ khoảng 10-12 tuổi sẽ lại bị thôi thúc bởi câu hỏi: “Mình sinh ra trên đời để làm gì? Sau này mình làm nghề gì? Mình ước mơ gì?”.

Với trẻ độ tuổi 15-18 lại băn khoăn nhiều hơn: “Mình phải có thái độ sống sao đây? Giá trị của mình là gì? Trung thực hay không trung thực, tham gia tích cực vào cuộc sống hay “bèo dạt mây trôi”?”.

Nếu tìm hiểu về tâm lý lứa tuổi, chúng ta sẽ biết rằng một trong những đặc điểm của lứa tuổi vị thành niên là tìm kiếm, học theo “thần tượng”, để rồi định hướng và khẳng định giá trị bản thân. Với những đứa trẻ được cha mẹ quan tâm, có sự gắn bó mật thiết với người thân trong gia đình thì chúng sẽ tự tin hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn về “thần tượng”.

Với những đứa trẻ hạnh phúc này, rất nhiều khả năng chính cha mẹ lại là “thần tượng” cho chúng. Ngược lại, với một gia đình thiếu hơi ấm tình thân, cha mẹ không có thời gian trò chuyện và lắng nghe con cái thì các em có nhiều lệch lạc và nhầm lẫn giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần, giá trị ảo và giá trị thực.

Hệ quả của sự nhầm lẫn đó là trẻ tìm kiếm hình mẫu cho mình thông qua các phương tiện truyền thông và Internet.

Để đáp ứng nhu cầu giải trí của số đông độc giả, các phương tiện truyền thông lại xây dựng hình ảnh người nổi tiếng trong nghệ thuật thứ bảy với cuộc sống hào nhoáng, xênh xang tiền bạc, cộng với không ít những xìcăngđan tình ái và những trò ngông mà trẻ lầm tưởng đó là tự do, là sành điệu, là cá tính và đẳng cấp.

2. Chúng ta, những bậc cha mẹ, đúng là “người mẫu”. Theo thời gian, bằng sự thẩm thấu, chúng ta đã trao cho con trẻ những giá trị mà chúng ta đang tuân theo.

Chúng ta sống với yêu thương, trách nhiệm và tôn trọng thì không cần phải rao giảng, con cái cũng sẽ sống với yêu thương, trách nhiệm và tôn trọng. Con cái chúng ta lớn lên, ước mơ điều gì, làm bất kể nghề gì thì chúng cũng là người có lòng nhân ái và biết chia sẻ.

Chúng sẽ cảm nhận hạnh phúc với con đường mình đã chọn cho dù không hề nổi tiếng, không hề được nhắc tên trên các phương tiện truyền thông.

Dạy một đứa trẻ về giá trị bên trong, giá trị của một con người có nhân cách không hề dễ dàng. Chúng ta không thể rao giảng đạo đức suông mà phải “dạy” và “dỗ” bằng cách chúng ta sống.

Bạn học của tôi, một bác sĩ, kể hằng ngày đứa con trai 15 tuổi của anh tự tiện vào phòng cha mẹ mở tủ lấy tiền để mua những thứ đắt tiền như giày, nước hoa, điện thoại... Một tối anh hỏi con: “Vì sao con không tiết kiệm? Sao con không hỏi xin ba?”.

Đứa con trai mới lớn ngang ngược nói rằng: “Ba gom tiền thiên hạ dễ quá mà, bạn bè con bảo làm bác sĩ như ba không khi nào thiếu tiền. Ba nên san sẻ cho con vì con nghèo”.

Thay vì la mắng hay cấm đoán con ăn xài vung vít, anh lặng im.

Vào chủ nhật tuần kế tiếp, anh dẫn con đi cùng đoàn bác sĩ khám bệnh từ thiện ở Củ Chi, rồi tuần kế tiếp là An Giang, Kiên Giang...

Anh cho con chứng kiến việc anh đã trao những bao thư có chút ít tiền, thuốc men, nhu yếu phẩm mà anh và đồng nghiệp chuẩn bị để san sẻ cho dân nghèo vùng sâu vùng xa. Kể từ đó, đứa con trai ăn chơi bướng bỉnh của anh không còn như trước nữa...

3. Bằng cuộc sống của mình, chúng ta hãy cho trẻ hiểu rằng không phải chỉ khoác bộ đồ hiệu, đi chiếc xe sang hay dùng điện thoại xịn là có thể trở thành con người có giá trị và được người khác yêu mến, tôn trọng, bởi mỗi con người là một thế giới duy nhất, độc đáo và khác biệt.

Học cách sử dụng đồng tiền chính là học cách làm người. Nhìn vào cách sống của cha mẹ thì trẻ con mới có thể theo đó mà biết cách sử dụng đồng tiền đúng chỗ.

Một người bạn tôi - một doanh nhân khá giàu có - kể rằng con trai anh học lớp 2, được thầy cô cử làm lớp trưởng. Cháu rất thông minh, lanh lợi và học giỏi. Một hôm, tình cờ anh thấy trong cặp của con có rất nhiều tiền lẻ.

Gặng hỏi, thậm chí dọa phạt nặng, con anh mới khai ra là cô phân công cháu ghi tên những ai nói chuyện trong lớp. Khi cháu ghi rồi, bạn nào “hối lộ” cho cháu 5.000 đồng thì cháu sẽ xóa tên bạn đó khỏi “danh sách đen”. Bạn tôi lập tức dẫn con vào xin lỗi cô và các bạn, sau đó trả lại tiền cho các bạn. Cháu còn bị phạt rất nặng là không được đi du lịch vào mùa hè năm đó.

Dĩ nhiên, chỉ cần không chú ý đến việc dạy con về lòng trung thực, về đồng tiền phải làm ra bằng sự lương thiện thì con sẽ có cái nhìn rất lệch lạc, sai trái về cách làm ra tiền và cách sử dụng đồng tiền đó.

BẢO NHI

Nguồn: 

http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/cuoc-song-muon-mau/cau-chuyen-c...

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 10703815

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.