Chuỗi tọa đàm khoa học với giảng viên trao đổi từ Đại học Findlay, Hoa Kỳ

Sáng ngày 15, 16, 17/5/2017, tại Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM, Phòng Hợp tác Quốc tế và Phát triển Dự án Quốc tế phối hợp với Phòng Quản lý Khoa học – Dự án và Khoa Giáo dục tổ chức chuỗi tọa đàm khoa học do ThS. Rachel L. Walter, giảng viên Trường Đại học Findlay, Hoa Kỳ trình bày.

Nội dung chính của tọa đàm tập trung vào ba chủ đề như sau:
Thứ nhất, làm thế nào để giao tiếp với sinh viên có năng suất và hiệu quả: Phong cách giao tiếp của thế hệ Thiên niên kỉ trong giáo dục đại học tại Hoa Kỳ;
Thứ hai, tương lai của nền giáo dục đại học tại Hoa Kỳ;

Thứ ba, những ảnh hưởng của chính sách chính phủ lên hoạt động giáo dục đại học tại Hoa Kỳ.

Đến tham dự tọa đàm có sự hiện diện của Ban chủ nhiệm, giảng viên, học viên cao học, sinh viên Khoa Giáo dục, lãnh đạo và chuyên viên phòng Phòng Quản lý Khoa học – Dự án, đại diện phòng Hợp tác Quốc tế và Phát triển Dự án Quốc tế, phòng Khảo thí & Đảm bảo chất lượng, giảng viên, sinh viên của các khoa Lịch sử, Ngữ văn Anh, Thư viện-Thông tin học, Xã hội học, bộ môn Ngữ Văn Ý của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; các giảng viên, giáo viên, chuyên viên của các trung tâm, trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Trong ngày đầu tiên (15/5/2017), tọa đàm “Làm thế nào để giao tiếp với sinh viên có năng suất và hiệu quả: Phong cách giao tiếp của thế hệ Thiên niên kỉ trong giáo dục đại học tại Hoa Kỳ” tập trung phân tích, thảo luận về các đặc điểm tiêu biểu của những sinh viên thuộc thế hệ Thiên niên kỷ; những cách biệt trong phong cách giao tiếp qua việc sử dụng các kênh công nghệ, qua ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, trong suy nghĩ và trải nghiệm của họ với những thế hệ đi trước.

ThS. Rachel L. Walter trong buổi nói chuyện đầu tiên

Với chủ đề “Tương lai của nền giáo dục đại học tại Hoa Kỳ” diễn ra vào ngày thứ hai (16/5/2017), ThS. Rachel L. Walter đã đề cập đến những tranh luận của xã hội về cơ hội và tương lai nghề nghiệp của ngành Giáo dục khoa học xã hội và nhân văn (Liberal Arts). Bằng dẫn chứng từ kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về cơ hội nghề nghiệp và tương lai nghề nghiệp của những người tốt nghiệp từ ngành khoa học xã hội và nhân văn so với các ngành học khác như khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, …Ngoài ra, diễn giả còn chỉ ra sự cần thiết của khối kiến thức khoa học xã hội và nhân văn đối với sự thành công của những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ. Cuối cùng diễn giả nhấn mạnh vai trò của những người làm công tác giáo dục đại học trong việc xoá bỏ định kiến xã hội đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Người tham dự trao đổi về chủ đề nghệ thuật khai phóng

Trong buổi chia sẻ ngày thứ ba, tọa đàm đã có những trao đổi sôi nổi về những chính sách của chính phủ Hoa Kỳ tác động lên hoạt động giáo dục đại học của quốc gia này, như các chính sách bảo vệ quyền riêng tư về thông tin trong học tập, thông tin về y tế cho người học; chính sách đối với động vật hỗ trợ người khuyết tật; hay các chính sách bảo vệ quyền bình đẳng giới và chống phân biệt giới tính nói chung và trong môi trường giáo dục nói riêng.

Diễn giả và người tham dự chụp hình lưu niệm trong buổi tọa đàm thứ hai

Xuyên suốt các buổi toạ đàm, khách mời và người tham dự tích cực thảo luận, trao đổi cởi mở để học hỏi lẫn nhau cũng như mở rộng kết nối và tìm kiếm ý tưởng cho các hoạt động hớp tác giữa các cá nhân trong tương lai. Toạ đàm đã mang đến cho người tham dự nhiều khám phá và kinh nghiệm lý thú về các vấn đề toạ đàm đã đặt ra. Chuỗi tọa đàm đã kết thúc thành công tốt đẹp vào 17/5/2017.

Đại diện Nhà trường cám ơn diễn giả

Diễn giả và người tham dự chụp hình lưu niệm kết thúc chuỗi tọa đàm

Tin, ảnh: Khoa Giáo dục, Phòng Quản lý Khoa học – Dự án, Phòng Hợp tác Quốc tế

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 10703908

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.