Tọa đàm "Phát triển chương trình đào tạo cho sinh viên sư phạm ở Indonesia" ngày 29/9/2015

Ngày 29/9/2015 vừa qua, lúc 8h30 đến 11h, Khoa Giáo dục đã phối hợp với phòng QLKH-DA tổ chức toạ đàm "Phát triển chương trình đào tạo cho sinh viên sư phạm ở Indonesia: Trường hợp điển hình trường Đại học Giáo dục, Indonesia" tại phòng A.001. Đến tham dự chương trình có 3 giáo sư đến từ Trường Đại học Giáo dục, Indonesia. Hai diễn giả chính của chương trình là GS. Dinn Wahyudin và GS. Ishak Abdulhak. Về phía Trường Đại học KHXH và NV TP.HCM có sự tham gia của ThS. Trần Thị Kim Anh – Phó Phòng Quản lý khoa học – Dự án và TS. Hoàng Mai Khanh – Trưởng khoa Giáo dục. Ngoài ra, còn có nhiều giảng viên và học viên cao học Khoa Giáo dục cũng đến tham dự buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các giáo sư đều bày tỏ sự cảm ơn trước sự đón tiếp nồng nhiệt của Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

GS. Ishak Abdulhak bắt đầu buổi tọa đàm với phần tham luận giới thiệu sơ lược về chương trình giáo dục ở Đại học Giáo dục, Indonesia. Trong tham luận này, GS có đề cập đến sự đổi mới chính sách đào tạo giáo viên của Viện Giáo viên vừa mới diễn ra ở nước này. Chính sách mới nhằm đáp ứng cả về chất lượng và số lượng đội ngũ giáo viên tiểu học và trung học cơ sở, thông qua một quá trình đào tạo mang tính chất dài hạn và hệ thống để phát triển năng lực giáo viên. Việc ra đời của chính sách đào tạo giáo viên mới yêu cầu các trường đại học có đào tạo giáo viên phải thay đổi chương trình đào tạo, cách thức đào tạo giáo viên sao cho phù hợp.

Chương trình cử nhân sư phạm tại Đại học Giáo dục Indonesia gồm từ 144-158 tín chỉ, trong đó có chương trình bắt buộc (cốt lõi) và 16-18 tín chỉ thuộc chương trình tự chọn. Bên cạnh nội dung học thuật, nội dung học phần kỹ năng sư phạm được quy định thành chương trình cho 2 nhóm đối tượng: nhóm đối tượng sẽ trở thành giáo viên và nhóm đối tượng không trở thành giáo viên.  Triết lý về xây dựng chương trình đào tạo giáo viên ở Indonesia dựa trên 12 nguyên tắc, trong đó có một số nguyên tắc như: phát triển bản sắc dân tộc, kết nối giữa chương trình đào tạo học thuật và đào tạo sư phạm, phát triển môi trường học thuật, coi trọng sự đa dạng văn hóa và tôn giáo, linh hoạt, bình đẳng giới, dân chủ, học tập suốt đời, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục…

Việc đào tạo giáo viên ở Indonesia do các trường đại học đảm trách, trong đó có cả Đại học công lập và Đại học tư thục. Số lượng Đại học tư thục nhiều hơn Đại học công lập, nhưng hệ thống trường công được kiểm soát và đảm bảo chất lượng tốt hơn so với các đại học tư thục. Cơ quan chịu trách nhiệm về việc đào tạo giáo viên ở Đại học Công lập là Tổ chức Đào tạo giáo viên.

Sau đó, GS. Dinn đã trình bày tham luận tiếp theo về kết quả nghiên cứu tại trường Đại học Giáo dục Indonesia (UPI) về phát triển chương trình trong đào tạo cử nhân sư phạm. Nghiên cứu nhằm tìm hiểu 2 vấn đề: (1) những điều kiện hiện tại ở UPI đáp ứng như thế nào đối với việc thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên; (2) năng lực quản lý ở UPI đáp ứng như thế nào đối với việc thực hiện đổi mới chương trình đào tạo.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra trường UPI có 25 chương trình đã phát triển chương trình đào tạo theo hướng đổi mới đào tạo giáo viên và 80% nhân sự tại UPI đáp ứng các năng lực để thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn cho thấy sự sẵn sàng ở cấp quản lý của các khoa, bộ môn, thể hiện ở việc xác định rõ các khía cạnh có liên quan đến thiết kế lại chương trình, có liên quan chặt chẽ đến hiệu quả thực hiện đổi mới chương trình. Việc thực hiện đổi mới này có thành công hay không, không những tùy thuộc vào các giảng viên mà còn tùy thuộc vào sự sẵn sàng và sự ủng hộ, chỉ đạo cụ thể của các cấp quản lý (Trường, Khoa, Bộ môn). Và để đảm bảo tính hiệu quả của việc đổi mới chương trình, các yếu tố tích cực nói trên cần liên tục được cập nhật và duy trì.

Tại phần thảo luận, một số giảng viên đặt câu hỏi với các giáo sư về cách thức nghiên cứu và chọn mẫu của đề tài. Bên cạnh đó, một số ý kiến muốn biết rõ hơn về nội dung học phần thực tập sư phạm trong tiến trình đào tạo giáo viên ở Indonesia. Qua trao đổi, có thể thấy tiến trình đào tạo giáo viên ở Indonesia cũng có một số nét tương đồng với Việt Nam. Việc thực tập diễn ra ở năm cuối, sinh viên có 3 tháng để xuống một trường học cụ thể để thực tập, với sự chỉ đạo, phân công của Sở Giáo dục. Các sinh viên sẽ tham gia quan sát các vấn đề tại trường học hoặc giải quyết các vấn đề và giáo viên hướng dẫn yêu cầu, tham gia dự giờ các giáo viên ở trường sở tại, sau đó mới được thực tập giảng dạy.

Nhiều học viên cao học cũng đã bày tỏ mong muốn được hiểu rõ hơn về tiến trình đào tạo giáo viên sau khi tốt nghiệp tại Indonesia. Theo trả lời của GS. Dinn, các cử nhân sư phạm sau khi ra trường phải tham dự vào một kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề do Sở Giáo dục phối hợp cùng một trường Đại học đào tạo giáo viên tổ chức để có thể hành nghề giáo viên. Chứng chỉ này chỉ có thời hạn 5 năm, sau 5 năm các giáo viên phải thi lại để có chứng chỉ hành nghề tiếp tục.

Các giáo sư Indonesia chụp ảnh lưu niệm cùng các học viên cao học Khoa Giáo dục

Sau hơn 2h trao đổi sôi nổi, buổi tọa đàm kết thúc lúc 11h cùng ngày.

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 10707816

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.