Index - chuyện nhỏ mà không nhỏ

Theo ông Đỗ Hoàng Sơn, giám đốc công ty sách Long Minh, làm index cho sách khoa học không chỉ là trách nhiệm của người viết sách mà còn tạo áp lực thay đổi tình trạng thiếu cập nhật của từ điển thuật ngữ khoa học.

Vào năm 1988, tôi có một bộ sưu tập sách về cờ vua bằng tiếng Nga gồm 200 quyển. Đằng sau mỗi quyển sách này đều có rất nhiều index như index về ván đấu, index về các giải đấu, index về các kiểu khai cuộc, index về các vận động viên. Nhờ học theo các index này, dù không có huấn luyện viên, tôi vẫn vô địch giải cờ vua không chuyên ở Hà Nội năm 20051
 

Index là danh sách các từ khóa được sắp xếp theo vần, chỉ ra vị trí xuất hiện của nó trong một cuốn sách. Với những tác phẩm phi hư cấu (non-fiction) và đặc biệt là những sách khoa học với nhiều nhân vật, danh từ, thuật ngữ, sự kiện phức tạp… danh sách các từ ngữ trong mục index được sắp xếp hợp lí là công cụ quan trọng để người đọc tiếp cận cuốn sách và tra cứu thông tin mình cần nhanh và hiệu quả nhất. Nói một cách dễ hiểu, index cũng giống như Google của một quyển sách.

Sách 20 trang của thiếu nhi cũng có index

Khi tôi nói chuyện với những nhà xuất bản sách ở nước ngoài, họ cho rằng làm index cho một cuốn sách là “chuyện đương nhiên”. Có một quyển sách khoa học cho thiếu nhi chỉ có 20 trang và số từ khóa chỉ đếm trên đầu ngón tay dành cho trẻ dưới 10 tuổi cũng có index. Tất cả sách giáo khoa cho học sinh phổ thông, thậm chí cho cả các em mẫu giáo về toán, khoa học và kỹ thuật ở Mỹ đều có index để rèn luyện cho các em một tư duy khoa học, tư duy hệ thống.


Một trang trong quyển “Những phần của một 
quyển sách” chỉ ra cấu trúc của một quyển sách
gồm: bìa, tên sách, đề tặng, bản quyền, mục lục, 
định nghĩa, index.

Bên cạnh sách giáo khoa, sách tham khảo, sách khoa học cho các em cũng cần có index giúp các em biết cách nghiên cứu độc lập. Lấy ví dụ, một nhóm học sinh năm người được phân công tìm hiểu về Archimedes. Nếu sách không có index, các em sẽ phải đọc cả quyển để tìm kiếm thông tin, như vậy là “nhồi nhét”. Các em có thể tra google, nhưng các thông tin bằng tiếng Việt chỉ cung cấp những dữ liệu mang tính chất tham chiếu chứ không có giá trị về mặt nghiên cứu, học thuật.

Từ index đến từ điển thuật ngữ khoa học

Không có một quy định nào bắt buộc sách phải có mục index nhưng nếu không có, một quyển sách khoa học sẽ bị mất giá trị bởi nó không thể hỗ trợ người đọc tối ưu trong việc nghiên cứu. Có thể, trước mắt, việc sách giáo khoa và sách tham khảo ở phổ thông chưa ảnh hưởng lớn nhưng về lâu dài, sách giáo trình cho sinh viên; đề cương đề tài, dự án; sách khoa học không có index sẽ có những tác động tiêu cực tới nền học thuật.

Trước hết, sách giáo trình không có index sẽ hạn chế việc thu thập và xử lí thông tin của sinh viên - một phương pháp luận quan trọng nhất ở trường đại học. Thứ hai, với số lượng lớn sách khoa học không có index sẽ ảnh hưởng đến việc cập nhật các thuật ngữ khoa học trên thế giới. Hiện nay, không phải là các thuật ngữ hiện đại về công nghệ không được dịch ra tiếng Việt nhưng phần lớn mới dừng lại ở mức diễn đạt ngữ nghĩa và chưa được chắt lọc, thiếu thống nhất giữa các nhà nghiên cứu, dịch giả. Nếu có một học giả muốn thực hiện cập nhật một cuốn từ điển chuyên ngành và phải tham khảo những nghiên cứu trước đó, họ phải “lội qua” một khúc dài vô số những bản dịch cùng biểu đạt một thuật ngữ trong hàng ngàn quyển sách không có index (tức là không hề tổng hợp các thuật ngữ) thì đó là việc quá sức và cập nhật định kì là điều bất khả. Việc không thống nhất và không cập nhật các thuật ngữ chuyên ngành sẽ cô lập khoa học công nghệ của việt Nam với thế giới.

Index được coi là một phần nội dung của tác phẩm và sách không có index là trách nhiệm của tác giả và nhà xuất bản. Tôi nghi ngờ việc các giáo sư, tiến sĩ không biết đến khái niệm và vai trò của index; nhưng nếu họ biết mà vẫn cố tình “lờ đi” trong các tác phẩm và đề cương thì đó là do họ vô trách nhiệm. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp, tác giả đã viết index nhưng trong quá trình biên tập, nhà xuất bản đã tự tiện cắt đi. Nghe có vẻ giống chuyện đùa nhưng có không ít trường hợp những sách khoa học nước ngoài được dịch ra tiếng Việt đã bị lược bỏ mục index, mặc dù đó là vi phạm bản quyền.

Phải thừa nhận rằng, các cơ quan hữu quan ở Việt Nam không có ý thức làm và cập nhật từ điển khoa học chuyên ngành. Việc mục index trong các tác phẩm, tài liệu khoa học bị coi nhẹ chỉ là một biểu hiện của điều đó. Tuy nhiên, nếu có sự tham gia của cộng đồng: tất cả các nhà xuất bản yêu cầu tất cả các tác giả viết sách khoa học cần phải làm mục index, các hội đồng khoa học bắt buộc tất cả các đề tài, dự án khoa học phải có mục index mới được nghiệm thu thì có thể thay đổi cục diện này. Giả sử, mỗi năm, có khoảng 500 người được phong PGS hoặc GS và mỗi người viết ba quyển sách. Cứ như vậy, mỗi năm sẽ có thêm 1.500 quyển sách có index. Các sách đã in cũng được chuẩn hóa lại bằng cách cập nhật index và đăng tải trên internet. Từ đó, điều này sẽ thúc đẩy các sinh viên và nghiên cứu sinh lớp sau học tập và tiếp nối. Trong vòng 10 năm, điều này sẽ tạo ra sự thay đổi về mặt học thuật.

Hiện nay, câu chuyện đã có phần sôi nổi hơn trước, có rất nhiều nhà xuất bản đã in sách có index, trong đó có NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, Công ty Đông A, Nhã Nam (một số sách lịch sử), công ty Long Minh và đặc biệt, khoảng 1/3 sách giáo khoa về Toán, Vật lý, Hóa học và Công nghệ của NXB Giáo dục Việt Nam đã có mục index.

Hiện nay, điều cần làm để cải cách giáo dục đại học là làm index cho tất cả các giáo trình chuyên ngành. Sinh viên, những người cần đượctạo lập thói quen nghiên cứu, cần phải nắm chắc thuật ngữ, biết cách tra cứu, thu thập dữ liệu và xử lí thông tin thông qua index của tài liệu. Thực hiện được điều này là hoàn toàn khả thi và cần bắt đầu từ ý thứccủa các giảng viên – những người soạn giáo trình. Hiện nay, một số trường đại học ở Việt Nam đã bắt đầu thực hiện việc này, trong đó có NXB Đại học Bách khoa Hà Nội và trường Đại học FPT.  

                                                                                                                                         

Hảo Linh ghi

-------------------------
1Khi thi đấu cờ vua, người chơi cần phải nắm được (càng nhiều càng tốt) các kiểu khai cuộc để biết được đường đi nước bước của đối phương.

Nguồn: Tạp chí Tia sáng

Library categories: 

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 10468235

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.