Dành cho sinh viên

1. Cách thức, quy trình đăng ký học phần như thế nào?

Để có thể đăng ký được học phần, sinh viên phải đăng ký tài khoản cá nhân tại website của Phòng Đào tạo (http://dt.hcmussh.edu.vn). Trên website Phòng Đào tạo có bài viết hướng dẫn đăng ký học phần (xem link: http://dt.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=2127ba63-4e69-461e-a767-9dcd6fb4dc05)
Khi nhà trường thông báo lịch đăng ký học phần, sinh viên xem trước thời khóa biểu của Khoa và thời khóa biểu các môn của trường dành cho khóa của mình (xem thêm thời khóa biểu các khóa trước và sau nếu sinh viên phải đăng ký học lại, học cải thiện và học vượt). Từ đó, sinh viên đăng nhập vào tài khoản và đăng ký môn học vào các ngày cụ thể dành cho khóa của mình.

2. Đăng ký học lại, học cải thiện và học vượt như thế nào?

Để đăng ký học lại, học cải thiện và học vượt sinh viên xem trước thời khóa biểu của Khoa dành cho các khóa trước (nếu học vượt); thời khóa biểu các khóa sau (nếu học cải thiện và học lại) và thời khóa biểu các môn của trường. Từ đó, sinh viên đăng nhập vào tài khoản và đăng ký môn học vào các ngày cụ thể dành cho việc đăng ký học lại, học cải thiện và học vượt.

3. Thời hạn hủy môn học sau khi đăng ký là bao lâu?

Trả lời: Sinh viên xem lịch cụ thể theo thông báo của Phòng Đào tạo trước khi đăng ký học phần.

4. Môn học tiên quyết là gì và có liên quan như thế nào đến việc đăng ký học phần?

Môn học tiên quyết là các môn học phải học trước và hoàn thành trước khi muốn học các môn học khác trong chương trình đào tạo. Mỗi môn học trong chương trình đào tạo có thể có hoặc không có điều kiện về môn học tiên quyết. Do đó, trước khi đăng ký môn học (chủ yếu là khi sinh viên muốn học vượt) phải xem điều kiện tiên quyết của các môn học đó có phù hợp với tiến trình học tập của mình hay không.
Nếu sinh viên đăng ký môn học mà chưa học môn học tiên quyết thì giảng viên có quyền không chấp nhận cho sinh viên theo học môn học đó.

5. Số tín chỉ tối đa và tối thiểu mà SV được đăng ký trong mỗi học kỳ là bao nhiêu?

Theo quy định của quy chế đào tạo của nhà trường, số tín chỉ tối thiểu trong một kỳ của sinh viên có học lực trung bình là 14 tín chỉ. Số tín chỉ tối đa không giới hạn, tuy nhiên sinh viên nên lựa chọn số tín chỉ tối đa phù hợp với năng lực và điều kiện học tập của mình.

6. Điều kiện để đăng ký học vượt?

Sinh viên được phép đăng ký học vượt các môn chung của trường và các môn của khoa theo quy định, tuy nhiên sinh viên phải xem các yêu cầu về điều kiện tiên quyết đối với các môn học muốn học vượt có phù với mình hay không.

7. Điều kiện để đi thực tập?

Điều kiện chung: Tính đến thời điểm đăng ký thực tập,sinh viên phải tích lũy tối thiểu 100 tín chỉ
Điều kiện cho sinh viên chuyên ngành Tâm lý giáo dục: Sinh viên đã tham gia học các môn chuyên ngành sau đây:
- Tâm lý học quản lý
- Tâm lý học sư phạm
- Tâm bệnh học
- Tham vấn tâm lý 1
- Tâm lý học giao tiếp
- Chẩn đoán tâm lý
- Tâm lý học nhân cách
- Tâm lý và giáo dục giới tính
Điều kiện cho sinh viên chuyên ngành Quản lý giáo dục: Sinh viên đã tham gia học các môn chuyên ngành sau đây:
- Lý luận dạy học
- Lý luận giáo dục
- Lãnh đạo và quản lý giáo dục
- Quản lý trường học
- Quản lý nguồn nhân lực trong giáo dục
- Cơ sở pháp lý trong hoạt động giáo dục
Thủ tục đăng ký tham gia thực tập:
Đơn xin thực tập cá nhân hoặc nhóm theo nguyện vọng (tải mẫu tại website Khoa)
Bảng điểm
Kế hoạch thực tập cá nhân hoặc nhóm theo nguyện vọng
Lưu ý: Tùy vào số lượng đăng ký của sinh viên trong mỗi học kỳ, Khoa sẽ có phản hồi có mở môn thực tập trong từng học kỳ hay không.

8. Điều kiện để đăng ký làm khóa luận tốt nghiệp?

Sinh viên muốn đăng ký làm khóa luận tốt nghiệp thì phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Số tín chỉ tích lũy: Tối thiểu 100 tín chỉ
Học lực: Xếp loại khá trở lên
Đối tượng ưu tiên: Sinh viên đã từng tham gia nghiên cứu khoa học
Thủ tục đăng ký:
Đơn đăng ký làm khóa luận tốt nghiệp (tải mẫu tại website Khoa, mục Văn bản - Biểu mẫu dành cho SV đại học chính quy)
Dự kiến vấn đề nghiên cứu
Đề xuất cán bộ hướng dẫn.

9. Thời gian đào tạo hệ đại học chính quy của Khoa tối thiểu và tối đa là bao lâu?

Theo quy định của quy chế đào tạo của nhà trường thì một Khóa đào tạo của trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn được thực hiện tối thiểu là 7 học kỳ chính và tối đa là 12 học kỳ chính (tương đương từ 3,5 đến 6 năm).

10. Khoa Giáo dục hiện đang đào tạo bao nhiêu chuyên ngành ở bậc đại học?

Hiện nay Khoa Giáo dục đang thực hiện đào tạo đại học với hai chuyên ngành: Quản lý Giáo dục và Tâm lý Giáo dục.

11. Sinh viên có thể xem chương trình đào tạo của các khóa ở đâu?

Chương trình đào tạo các khóa được Khoa cập nhật trên website khoa, tại link sau:
http://edufac.edu.vn/baiviet-coban/chuong-trinh-dao-tao-dai-hoc
Lưu ý: Hiện có 3 chương trình đào tạo dành cho các khóa khác nhau:
- Chương trình đào tạo dành cho khóa 2012, 2013
- Chương trình đào tạo dành cho khóa 2014
- Chương trình đào tạo dành cho khóa 2015

12. SV phải lưu ý những thay đổi nào trong chương trình đào tạo của các năm để đăng ký học lại hoặc học cải thiện với khóa sau?

Từ khóa học 2014 – 2018, chương trình đào tạo của Khoa có một số thay đổi, do đó sinh viên các khóa từ 2013 trở về trước lưu ý một số môn học có sự thay đổi như sau:
• Môn Luật Giáo dục – Luật lao động (2TC) -> Cơ sở pháp lý trong hoạt động giáo dục (3TC)
• Môn Lịch sử giáo dục Việt Nam (2TC), Lịch sử giáo dục thế giới (2TC) -> Lịch sử giáo dục (3TC)
• Môn Xã hội học giáo dục (2TC) -> Nhập môn Xã hội học giáo dục (2TC)
• Môn Kinh tế học giáo dục (2TC) -> Nhập môn Kinh tế học giáo dục (2TC)
• Môn Giáo dục học so sánh (3TC) -> Giáo dục so sánh (3TC)
• Môn Chính sách và chiến lược giáo dục (2TC) -> Nhập môn chính sách giáo dục (2TC)
• Môn Đánh giá và Quản lý chất lượng giáo dục (2TC)-> Quản lý chất lượng giáo dục (2TC)
• Môn Quản lý và phát triển nguồn nhân lực trong GD (3TC)-> Quản trị nguồn nhân lực trong Giáo dục (3TC)
• Môn Quản lý tài chính, ngân sách trong GD (2TC) -> Quản lý tài chính trong giáo dục (2TC)
• Môn Tâm lý học trẻ khuyết tật và giáo dục trẻ khuyết tật (3TC) -> Giáo dục đặc biệt (3TC)

13. Điều kiện để được xét tốt nghiệp đại học?

Để được xét và công nhận tốt nghiệp, sinh viên phải:
• Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không bị kỷ luật từ mức đình chỉ học tập trở lên (tính đến thời điểm xét tốt nghiệp);
• Tích luỹ đủ số học phần quy định dành cho khóa học của mình (khóa 2011, 2012, 2013: 140 tín chỉ; Khóa 2014, 2015: 146 tín chỉ);
• Điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học phải đạt từ 5,0 trở lên.
• Có các chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục quốc phòng và Giáo dục thể chất theo quy định.
Mỗi năm nhà trường có mở 4 lần xét tốt nghiệp, SV tham khảo thông tin trên website và chuẩn bị các giấy tờ cần thiết (bao gồm đơn xin xét tốt nghiệp, đơn xin hủy môn (nếu có), bản sao chứng chỉ ngoại ngữ và tin học, các chứng chỉ giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất (nếu chưa có điểm trong bảng điểm).

14. Điều kiện để sinh viên được học hai ngành cùng một lúc?

Để được học hai ngành cùng một lúc, sinh viên phải đảm bảo các điều kiện sau:
• Ngành đào tạo chính ở chương trình thứ hai phải khác ngành đào tạo chính ở chương trình thứ nhất;
• Đăng ký sau khi đã kết thúc học kỳ 1 năm thứ nhất của chương trình thứ nhất.
• Sinh viên không thuộc diện xếp hạng học lực yếu ở chương trình thứ nhất.
• Sinh viên đang học thêm chương trình thứ hai, nếu rơi vào diện bị xếp học lực yếu của chương trình thứ hai phải dừng học thêm chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo.
Ngoài ra, còn có một số điều cần biết sau:
• Khi học xong chương trình thứ hai, sinh viên được bảo lưu điểm của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất.
• Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất.

15. Sinh viên có thể xem điểm thi của mình ở đâu?

Điểm thi của sinh viên sẽ được nộp về Phòng Khảo thí & Đảm bảo chất lượng và Phòng Đào Tạo. Sinh viên có thể tra cứu điểm thi của mình trên website của Phòng Đào tạo (dt.hcmussh.edu.vn)

16. Nhà trường quy định về việc phúc khảo bài thi như thế nào?

Sinh viên có quyền đề nghị chấm phúc tra kết quả thi. Thời gian phúc tra được Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng thông báo sau khi có điểm thi. Đơn xin phúc tra kết quả thi được gởi đến Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng như thời gian quy định. Tất cả các đề nghị chấm phúc tra đều phải đóng lệ phí do trường quy định.

Sau khi chấm phúc tra, nếu điểm được nâng lên cao hơn trước thì Trưởng khoa hoặc Trưởng phòng Đào tạo phải đề nghị một cán bộ thứ hai có cùng chuyên môn chấm lại. Kết quả cuối cùng phải do Trưởng khoa ký tên xác nhận mới được công bố.

17. Có những hình thức kỷ luật nào đối với SV liên quan tới kết quả học tập?

Hằng năm, trường sẽ tiến hành xử lý học vụ sau học kỳ 1 và sau học kỳ hè.
Sinh viên vi phạm một trong các quy định sẽ bị cảnh cáo học vụ:
- Không hoàn thành nghĩa vụ học phí theo quy định của trường.
- Không đạt số tín chỉ tối thiểu do trường quy định cho ngành đào tạo trong một học kỳ.
- Có ĐTBHK trong học kỳ đầu dưới 3.0 hoặc ĐTBCTL của 2 học kỳ liên tiếp dưới 4.0.
Nhà trường sẽ ra quyết định đình chỉ học tập và xóa tên khỏi danh sách sinh viên, nếu sinh viên vi phạm một trong những trường hợp sau:
- Đã hết thời gian tối đa hoàn thành khóa học;
- Đã tự ý bỏ học từ một học kỳ chính trở lên – có điểm trung bình học kỳ bằng 0 (không) ở một học kỳ chính;
- Sau thời hạn bị cảnh cáo học vụ vẫn vi phạm các quy định
- Vi phạm quy chế học vụ và các quy định khác của trường đến mức buộc thôi học;
- Bị kỷ luật vì lý do đi thi hộ hoặc nhờ người thi hộ;
- Một số trường hợp đặc biệt khác do Hiệu trưởng quy định cụ thể;
- Trường sẽ xóa tên khỏi danh sách sinh viên nếu sinh viên gửi đơn xin thôi học và được Trường ra quyết định cho phép nghỉ học;
Khi sinh viên có quyết định đình chỉ học tập, Nhà trường thông báo trả sinh viên về địa phương nơi sinh viên có hộ khẩu thường trú;
Sinh viên thuộc diện bị đình chỉ học tập, nếu có nguyện vọng chuyển trường hay chuyển xuống các bậc đào tạo thấp hơn phải làm đơn để Trường xét cụ thể từng trường hợp.

18. Có những hình thức kỷ luật nào đối với các SV vi phạm quy chế thi cử của trường?

Trong các đợt kiểm tra học kỳ, thi kết thúc học phần, thi cuối khóa, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, nếu vi phạm quy chế, sinh viên sẽ bị xử lý kỷ luật đối với từng bài kiểm tra, từng học phần đã vi phạm.
Có các hình thức kỷ luật như sau:
1. Cảnh cáo: Bị trừ 25% số điểm.
2. Khiển trách: Bị trừ 50% số điểm.
3. Đình chỉ thi: Bị 0 điểm môn thi đó và yêu cầu chấm dứt việc làm bài thi, SV buộc phải ra khỏi phòng thi.
4. Đình chỉ học tập: Đối với các trường hợp vi phạm đặc biệt quan trọng như thi hộ hoặc nhờ người thi hộ.
Sinh viên đi thi hộ hoặc nhờ người thi hộ đều bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập một năm trở lên, đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai.

19. Có các loại học bổng nào cho sinh viên liên quan tới kết quả học tập?

Mỗi học kỳ nhà trường điều tiến hành xét học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện tốt. Ngoài ra, nhà trường còn có nhiều nguồn học bổng khác dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện tốt có điều kiện gia đình khó khăn.

20. Điều kiện xét, cách thức xét học bổng khuyến khích học tập?

Để được xét học bổng khuyến khích học tập, sinh viên phải đăng ký tối thiểu 14 TC trong học kỳ được xét học bổng và điểm rèn luyện từ 70 trở lên. Phòng CTSV sẽ xem xét đồng thời cả kết quả học tập và điểm rèn luyện của sinh viên. Nếu kết quả học tập của SV từ 8.0 trở lên và điểm rèn luyện từ 80 trở lên thì SV sẽ được xét Học bổng loại Giỏi . Nếu điểm rèn luyện từ 70 đến 79, SV có điểm học tập trên 7.0 được xét học bổng loại Khá. Sau đó, Phòng CTSV sẽ chọn 10% trên tổng số SV của mỗi Khoa, Bộ môn và căn cứ theo danh sách sinh viên đạt các tiêu chí học bổng đã được xếp hạng từ cao xuống thấp.

21. Yêu cầu của nhà trường về việc tích lũy chứng chỉ ngoại ngữ không chuyên của SV đại học chính quy như thế nào?

Nhà trường hiện nay yêu cầu SV tự tích lũy chứng chỉ ngoại ngữ không chuyên và sẽ nộp chứng chỉ vào 2 giai đoạn:
1. Cuối năm 2: Sinh viên phải nộp chứng chỉ A ngoại ngữ hoặc TOEFL nội bộ, TOEIC 2 kỹ năng có điểm quy đổi tương đương để chuyển giai đoạn (SV vui lòng tham khảo bảng chuyển đổi các chứng chỉ ngoại ngữ tương đương trên website Phòng Đào tạo. Nếu SV không nộp chứng chỉ sẽ không được đăng ký học tiếp.
2. Lúc xét tốt nghiệp: SV được yêu cầu phải nộp một trong số các chứng chỉ sau để có đủ điều kiện xét tốt nghiệp
- Chứng chỉ Anh văn B1.2 theo chuẩn châu Âu
- Chứng chỉ ngoại ngữ VNU
- Chứng chỉ thi 2 kỹ năng tại Trung tâm ngoại ngữ của Trường và 2 kỹ năng còn lại tại Trung tâm ngoại ngữ Đại học Bách khoa, ĐHQG TPHCM.
- IELTS, TOEFL quốc tế
- TOEIC 4 kỹ năng
- Các ngoại ngữ khác (Tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Pháp....): chứng chỉ B
SV vui lòng xem việc quy đổi các chứng chỉ tương đương trên website phòng Đào tạo.

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 11978145

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.