Tọa đàm khoa học “Motivating teachers for excellence” và “Teaching strategies/method/learning assessment to improve higher education quality”

Nằm trong chuỗi chương trình làm việc giữa GS Arild Tjeldvoll với giảng viên, học viên, sinh viên Khoa Giáo dục, sáng ngày 25/4/2016 vừa qua, GS Arild đã có buổi tọa đàm với các giảng viên và học viên cao học Khoa Giáo dục về 2 chủ đề thú vị: “Motivating teachers for excellence” và “Teaching strategies/method/learning assessment to improve higher education quality”. Tại buổi tọa đàm, giáo sư đã trình bày 2 bài thuyết trình về 2 chuyên đề và trao đổi với người tham dự về những vấn đề thắc mắc có liên quan tới chuyên đề.

Chuyên đề 1 nói về việc tạo động lực cho giáo viên. Việc tạo động lực để giáo viên trở thành những người giáo viên giỏi, giáo viên tốt là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của nhà quản lý, nhà lãnh đạo nhà trường. Đối với Việt Nam, trong tiến trình học hỏi kinh nghiệm để phát triển chất lượng đội ngũ giáo viên, các nhà quản lý, lãnh đạo giáo dục không nên bắt chước y nguyên các kinh nghiệm của các quốc gia khác mà cần phải có sự phân tích, lựa chọn và ứng dụng phù hợp với tình hình và văn hóa của đất nước, địa phương, cơ sở giáo dục.

Mặc dù mỗi quốc gia khác nhau đều có những quan điểm khác nhau về vai trò của người giáo viên trong hệ thống giáo dục, nhưng có thể thấy rằng giáo viên thực sự là một lực lượng rất quan trọng, họ không chỉ là người trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn là một nhân tố ảnh hưởng sâu rộng đến các học sinh, các gia đình, nhà trường và xã hội. Do vậy, việc tạo động lực để giáo viên phát triển sẽ có tác động gián tiếp đến các đối tượng nói trên.

Ảnh: GS Arild đang trao đổi với người tham dự về chủ đề "Tạo động lực cho giáo viên"

Trong chủ đề này, GS đề cập đến cách thức và các khía cạnh mà nhà quản lý giáo dục cần động viên giáo viên phát triển. Có 3 khía cạnh mà nhà quản lý giáo dục có thể tạo động lực cho giáo viên phát triển: kiến thức, khả năng giao tiếp và sự quan tâm.

Trước hết, nhà quản lý giáo dục cần động viên để giáo viên phát triển kiến thức chuyên môn, bởi lẽ kiến thức chuyên môn vững vàng chính là cơ sở để người giáo viên thực hiện nhiệm vụ quan trọng của mình là giúp học sinh có được nền tảng kiến thức chuyên môn chắc chắn. Việc phát triển kiến thức chuyên môn của giáo viên không chỉ được đào tạo từ trên giảng đường cao đẳng – đại học mà quan trọng hơn là nhà quản lý giáo dục cần tạo điều kiện và khuyến khích người giáo viên có tinh thần học tập suốt đời, học tập và trau dồi bản thân mọi lúc, mọi nơi.

Bên cạnh đó, việc động viên giáo viên phát triển khả năng giao tiếp của họ cũng là việc quan trọng không kém của các nhà quản lý. Giáo viên cần phải ý thức phát triển bản thân để giao tiếp tốt, đặc biệt là với học sinh bởi đây chính là công cụ chính để truyền đạt những nội dung giáo dục đến với đối tượng giáo dục. Khả năng giao tiếp này ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp thu của học sinh, do vậy người giáo viên phải thường xuyên có ý thức tự xem xét, đánh giá và điều chỉnh bản thân trong quá trình giao tiếp nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất trong giáo dục.

 Một điều quan trọng nữa mà nhà quản lý giáo dục cần động viên giáo viên chính là sự quan tâm. Giáo viên cần biết cách quan tâm học sinh của mình để nắm được tâm tư, tình cảm của các em. Một khi cảm nhận được sự quan tâm thực sự từ những thầy cô của mình, học sinh sẽ có sự nỗ lực để đáp lại tấm lòng của thầy cô. Như vậy, chính bản thân các nhà lãnh đạo phải thực sự quan tâm đội ngũ giáo viên và khuyến khích họ quan tâm đến học sinh của mình. Sự quan tâm ấy thể hiện ở việc tìm hiểu và nắm bắt những nhu cầu, những vấn đề liên quan đến đời sống giáo viên như lương bổng, vấn đề gia đình, nghề nghiệp…

Như vậy, để có thể động viên được giáo viên trở thành những người giáo viên giỏi, nhà quản lý giáo dục phải thực hiện cùng lúc 3 chức năng: lãnh đạo quá trình học tập trong nhà trường, lãnh đạo các cá nhân và lãnh đạo việc quản lý nhà trường. Lãnh đạo nhà trường cũng đồng thời là người định hướng cho đội ngũ giáo viên để phát triển nghề nghiệp và giảng dạy hiệu quả, vừa là người quan tâm, chia sẻ với đội ngũ giáo viên về những nhu cầu cá nhân của họ và quản lý hiệu quả mọi khía cạnh khác trong nhà trường hoặc có liên quan đến nhà trường như vấn đề tài chính, cơ sở vật chất, văn hóa, chính trị…

Ảnh: GS Arild trình bày chuyên đề 2

Trong chuyên đề 2, giáo sư Arild đã trình bày về vấn đề phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập để phát triển giáo dục đại học. Trên thế giới, khái niệm về giáo dục đại học đã có sự thay đổi qua các thời kỳ, chuyển từ mô hình đại học tinh hoa (chỉ dành cho những cá nhân xuất sắc) sang đại học đại trà (mọi người đều có cơ hội vào đại học). Với sự thay đổi này, các đối tượng sinh viên trở nên đa dạng hơn, tạo ra những thách thức đối với người giảng viên trong việc áp dụng các phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập phù hợp với tất cả các nhóm sinh viên. Bên cạnh nhóm sinh viên ưu tú, chủ động thì còn có những nhóm sinh viên với thành phần hết sức phong phú, thiếu động lực học tập hay có những mối quan tâm khác nhau…

Với vai trò của một giảng viên đại học, người giảng viên tốt phải là người vừa có khả năng nghiên cứu tốt, lại vừa có khả năng giảng dạy tốt. Sự yếu kém một trong hai khả năng này đều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của giáo dục đại học. Do vậy, rất cần có những đại học giáo dục để là nơi tiếp tục đào tạo cho các giảng viên đại học về kỹ năng sư phạm lẫn kỹ năng nghiên cứu. Bản thân các giảng viên cũng phải tự ý thức để trau dồi kỹ năng sư phạm và dành thời gian để thực hiện các nghiên cứu.

Bên cạnh đó, việc áp dụng phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập ở trường đại học còn phải tùy thuộc vào đối tượng người học. Nếu giảng dạy cho đối tượng sinh viên thì xu hướng trên thế giới hiện nay là các giảng viên phải có khả năng áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Tuy nhiên, đối với giảng dạy sau đại học thì giảng viên lại không thể áp dụng cứng nhắc công nghệ thông tin như vậy mà cần phải tăng cường nhiều hoạt động mang tính chất học thuật đối thoại, tương tác, thực hành. Chẳng hạn như các giảng viên có thể tổ chức các bài tập dự án để học viên tham gia vào, yêu cầu cao về các bài tiểu luận để rèn luyện kỹ năng viết, huấn luyện cho học viên kỹ năng thuyết trình và tổ chức các buổi học mô phỏng các hội thảo khoa học quốc tế … Những cách thức nói trên nhằm đào tạo cho học viên khả năng trình bày vấn đề khoa học và cách phản biện, tranh luận hợp lý.

Việc đánh giá ngoài cũng là một điều rất quan trọng để đánh giá chất lượng giáo dục tại một cơ sở, một trường đại học hoặc một quốc gia, và nên được thực hiện bởi các chuyên gia đánh giá ngoài độc lập. Để làm được điều này thì những nhà quản lý giáo dục ở các cấp Bộ, Sở cần hết sức quan tâm để có được kết quả đánh giá chính xác. Kết quả đánh giá sẽ là căn cứ để điều chỉnh, cải tiến chất lượng đào tạo tại các cơ sở.

Ảnh: Học viên cao học đặt câu hỏi cho giáo sư liên quan tới chuyên đề thảo luận

Sau nội dung cơ bản được giáo sư trình bày là phần hỏi đáp và thực hành. Các học viên đã đặt ra nhiều vấn đề thực tiễn tại Việt Nam liên quan đến 2 chuyên đề nói trên. Trong phần thực hành, giáo sư yêu cầu người tham dự chia thành các nhóm nhỏ để vận dụng những kiến thức đã học vào việc thiết kế chương trình và kế hoạch giảng dạy cho các nhóm đối tượng khác nhau (các giảng viên đại học, các giáo viên cấp 2, các sinh viên…) về một số nội dung như: phương pháp đánh giá kết quả học tập, phát hiện và phòng chống bạo lực học đường, phương pháp giảng dạy…

Ảnh: GS. Arild lắng nghe và trả lời các câu hỏi của người tham dự

Sau 2 buổi làm việc sôi nổi, chương trình tọa đàm đã kết thúc lúc 16h cùng ngày.

KHOA GIÁO DỤC

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 10459354

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.