Quy trình đăng ký xét tuyển Cao đẳng, Đại học năm 2016

 

Theo yêu cầu Bộ GD-ĐT, đối với những trường xét tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia, trước mỗi đợt xét tuyển, nhà trường phải thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường các nội dung liên quan tới từng đợt xét tuyển.

Tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký xét tuyển

Theo quy định các trường phải công bố thông tin về chỉ tiêu của các ngành đối với đợt xét tuyển đó. Trường hợp sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành, trường cần quy định mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp hoặc chỉ tiêu dành cho mỗi tổ hợp.

Bộ GD-ĐT cũng lưu ý: đối với những ngành trường đã tuyển sinh từ năm 2014 trở về trước phải dành ít nhất 50% chỉ tiêu để xét tuyển theo khối thi truyền thống (khối thi áp dụng từ năm 2014 trở về trước).

Đồng thời các trường phải công khai cách thức xử lý khi các thí sinh có cùng điểm xét tuyển; các điều kiện bổ sung (nếu có); điểm xét tuyển của trường hoặc từng ngành. Điểm xét tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định.

Như vậy, thí sinh cần phải truy cập website của các trường mình dự định đăng ký xét tuyển (ĐKXT) để tìm hiểu thật kỹ các thông tin trên trước khi nộp hồ sơ ĐKXT.

Quy trình đăng ký xét tuyển

Xét tuyển đợt I (từ ngày 1 đến 12-8): mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong đợt xét tuyển.

Xét tuyển các đợt bổ sung (đợt 1: từ ngày 21 đến 31-8; đợt 2 từ ngày 11 đến 21-9) mỗi đợt thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong từng đợt xét tuyển.

Các trường ĐH, CĐ chủ động công bố lịch xét tuyển tuyển nguyện vọng bổ sung tiếp theo (nếu có). Các trường kết thúc xét tuyển trước ngày 20-10 đối với hệ ĐH và 15-11 đối với hệ CĐ.

Ngoài ra, năm nay còn có nhiều trường tuyển sinh theo nhóm. Thí sinh ĐKXT vào các trường tuyển sinh theo nhóm (gọi chung là nhóm trường) có thể sử dụng số ngành tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 ngành trong đợt I và 6 ngành trong các đợt xét tuyển bổ sung) để ĐKXT vào nhiều trường trong nhóm và sắp xếp các ngành đã đăng ký theo thứ tự ưu tiên.

Ví dụ trong đợt I, thí sinh có thể ĐKXT vào 4 trường khác nhau trong nhóm nếu mỗi trường đăng ký 1 ngành hoặc đăng ký vào 3 trường khác nhau trong nhóm nếu đăng ký 2 ngành vào 1 trường và 2 ngành còn lại đăng ký vào 2 trường.

Cần lưu ý, thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào 2 trường trở lên trong nhóm ở đợt I hoặc 3 trường trở lên trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được ĐKXT vào các trường ngoài nhóm. Các nhóm trường quy định mẫu phiếu ĐKXT phù hợp với qui định này và công bố công khai cách thức xét tuyển giữa các ngành theo thứ tự ưu tiên trong phiếu ĐKXT.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH lập nhóm tuyển sinh. Hiện nay đã có nhóm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Đà Nẵng và bộ đang khuyến khích ĐHQG TP.HCM và Trường ĐH Cần Thơ lập nhóm xét tuyển. Nếu các nhóm tuyển sinh được hình thành thì tuyển sinh sẽ rất nhẹ nhàng cho cả nhà trường và thí sinh”.

Thủ tục đăng ký xét tuyển

Thí sinh ĐKXT bằng cách điền đầy đủ thông tin vào phiếu ĐKXT quy định. Thí sinh ĐKXT vào các trường tuyển sinh theo nhóm điền đầy đủ thông tin vào phiếu ĐKXT do nhóm trường qui định.

Thí sinh không dùng quyền tuyển thẳng, đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 7 Quy chế tuyển sinh, cần chọn mục “ưu tiên xét tuyển” và điền thêm các thông tin bổ sung vào phiếu ĐKXT.

Trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, thí sinh nộp phiếu ĐKXT và phí dự tuyển qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc bằng phương thức trực tuyến (online) hay theo phương thức khác do trường quy định đáp ứng yêu cầu của quy chế.

ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, dịch vụ chuyển phát ưu tiên (tính ngày theo dấu bưu điện) hoặc nộp bằng phương thức trực tuyến hay theo phương thức khác do trường quy định trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.

Năm nay, sau khi có kết quả thi thí sinh chỉ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi do trường ĐH chủ trì cung cấp.

Các em lưu ý không dùng giấy chứng nhận kết quả thi đó để ĐKXT mà chỉ nộp giấy này vào trường mình trúng tuyển. Hồ sơ ĐKXT cũng đơn giản hơn, thí sinh chỉ nộp phiếu ĐKXT.

Các em chỉ cần điền đầy đủ thông tin gồm: tên thí sinh, điểm thi và nguyện vọng vào học ngành, trường nào. Thí sinh có thể nộp qua bưu điện, nộp trực tuyến hoặc hoặc gửi nộp trực tiếp tại phòng đào tạo trường ĐH, CĐ do nhà trường quyết định.

Những thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ theo hình thức trực tuyến phải đăng ký số điện thoại, email khi ĐKDT.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lương giáo dục Bộ GD-ĐT 

TRẦN HUỲNH

Nguồn:http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/tin-nong-ituyensinh/20160324/quy-trinh-d...

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 10667495

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.