Hội nghị hiệu trưởng Mạng lưới các trường Đại học sư phạm Đông Nam Á 2016: Vai trò khoa học xã hội và nhân văn trong đào tạo giáo viên

Sáng ngày 18/04/2016 tại trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị Hiệu trưởng AsTEN và tọa đàm quốc tế "Vai trò khoa học xã hội và nhân văn trong đào tạo giáo viên" do Hiệp hội Mạng lưới các trường đại học Sư phạm Đông Nam Á (The Association of Southeast Asian Teacher Education Network, AsTEN) phối hợp cùng trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM, tổ chức trong 02 ngày 18-19/04/2016.

Phía khách mời có Bà Ester B. Ogena – Chủ tịch Tổ chức AsTEN; Lãnh đạo các trường đại học sư phạm như Brunei Darussalam, Cambodia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thailand, Vietnam về tham dự.

Hội nghị hiệu trưởng AsTEN tại trường ĐHKHXH&NV. Ảnh: Việt Thành 

Lãnh đạo ĐHQG-HCM có PGS.TS. Dương Anh Đức – Phó Giám đốc ĐHQG-HCM; phía trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG-HCM có PGS.TS. Võ Văn Sen – Hiệu trưởng, TS. Ngô Thị Phương Lan – Phó Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Ngọc Thơ – Trưởng phòng QLKH-DA; ThS. Bàng Anh Tuấn – Trưởng phòng, TS. Trần Cao Bội Ngọc, ThS. Phạm Thị Hồng Hoa – Phó trưởng phòng QHQT-PTDAQT; TS. Hoàng Mai Khanh – Trưởng Khoa, TS. Nguyễn Thị Hảo – Phó trưởng khoa Giáo dục; cùng các nhà nghiên cứu, học viên cao học, nghiên cứu sinh Khoa Giáo dục cùng về tham dự hội thảo.
Hội nghị các Hiệu trưởng ASEAN được tổ chức 2 năm một lần và luân phiên giữa các quốc gia ASEAN, cụ thể là tại các trường đại học thành viên của AsTEN bao gồm 10 trường đại học/viện thành viên đại diện cho 10 quốc gia ASEAN. AsTEN được thành lập ngày 17/9/2014 theo khởi xướng của Trường Đại học Sư phạm Philippine (Philippine Normal University).

 

PGS.TS. Dương Anh Đức – Phó Giám đốc ĐHQG-HCM tặng hoa cho Bà Ester B. Ogena – Chủ tịch Tổ chức AsTEN. Ảnh: Việt Thành
 

Các Viện và Trường đại học thành viên sáng lập bao gồm: (1) Viện Giáo dục Quốc gia, Vương quốc Campuchia; (2) Trường ĐH Pendidikan Indonesia, Cộng hoà Indonesia; (3) Trường ĐH Quốc gia Lào, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào; (4) Trường ĐH Pendidikan Sultan Idris, Malaysia; (5) Trường ĐH Sư phạm Yangon, Cộng hoà Liên bang Myanmar; (6) Trường ĐH Sư phạm Philippine, Cộng hoà Philippines; (7) Viện Giáo dục Quốc gia, Cộng hoà Singapore; (8) Trường ĐH Kasetsart, Vương quốc Thái Lan; (9) Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG-HCM, Việt Nam. Nhân dịp này Mạng lưới Sư phạm ASEAN đã kết nạp thành viên thứ 10, đó là Trường ĐH Kolej Universiti Perguruan Ugama Seri Begawan – Brunei.

Bà Ester B. Ogena – Chủ tịch Tổ chức AsTEN và PGS.TS. Võ Văn Sen - Hiệu trưởng ĐHKHXH&NV điều hành hội nghị. Ảnh: Việt Thành

PGS.TS. Võ Văn Sen, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Thành
 

Trong bài phát biểu khai mạc, PGS.TS. Võ Văn Sen khẳng định việc thành lập Tổ chức AsTEN là một hoạt động hết sức đúng đắn và Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG HCM hết sức vinh dự trở thành một thành viên đồng sáng lập. Trường ĐHKHHX&NV-ĐHQG-HCM cũng như các nước thành viên AsTEN mong muốn thu hẹp sự khác biệt này bằng việc đẩy mạnh nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên, giảng viên. Bên cạnh đó, Nhà trường chú trọng đến công bố quốc tế, đặt ra tầm nhìn và sự mạng với mong muốn vươn lên thành đại học nghiên cứu. Nhân dịp này, PGS.TS. Võ Văn Sen mong muốn nhận được sự đóng góp kinh nghiệm trong phát triển giáo dục từ mạng lưới các trường thành viên AsTEN giúp nhà trường hoàn thiện và phát triển hơn nữa trong tương lai.

Trong khuôn khổ Hội nghị Hiệu trưởng AsTEN, TS. Ester B. Ogena – Chủ tịch AsTEN, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Philippines, với bài phát biểu khai mạc đã gửi lời chào mừng đại diện các trường trong mạng lưới đã về tham dự Hội nghị và Diễn đàn lần này. Bà hy vọng các trường cùng chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận các phương hướng mới nhằm vạch ra các hành động chiến lược và chính sách cải cách giáo dục sư phạm của Đông Nam Á trong bối cảnh quốc tế.

 

TS. Ester B. Ogena – Chủ tịch AsTEN phát biểu. Ảnh: Việt Thành

Phần Hội nghị bàn tròn (Roundtable) và Diễn đàn (Forum) với chủ đề "Vai trò khoa học xã hội và nhân văn trong đào tạo giáo viên", với các tham luận của GS.TS. Feliece I. Yeban. GS.TS. Feliece I. Yeban, Phó Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Philippine với tham luận "Vai trò của khoa học xã hội và nhân văn trong giáo dục của Đông Nam Á" đã nêu bật những vấn đề mang tính thời đại của khoa học xã hội nhân văn trong thế kỷ 21. GS.TS. Feliece I. Yeban, đã có những con số thống kê thú vị, đó là tỉ trọng thu nhập, việc làm của ngành khoa học xã hội (hai ngành Nhân học và Địa lý nhân văn có tỉ lệ cao hơn các ngành Tâm lý học, Xã hội học, Kinh tế, Tâm lý học xã hội) và cao hơn hẳn so với khoa học khác như (Y tế, Công nghệ Thông tin, Hóa, Y Tế....). GS.TS. Feliece I. Yeban nhấn mạnh khoa học xã hội và nhân văn có thể giúp cộng đồng chấp nhận sử dụng công nghệ mới và có sự thay đổi cần thiết các hành vi cá nhân để giải quyết hoặc giảm thiểu các thách thức toàn cầu đang nổi lên. Khoa học xã hội và nhân văn giúp chúng ta làm thế nào để hiểu, để giải thích, và tôn trọng các cộng đồng hay khác biệt giữa các xã hội, dân tộc. Đó là điều cần thiết để mang lại sự ổn định xã hội, tiến bộ và hiểu biết xã hội. Khoa học xã hội và nhân văn có kiến thức tích hợp và thúc đẩy sự hợp tác liên và đa ngành, là cầu nối giữa khoa học tự nhiên với khoa học Triết học và nhân văn. Chúng ta sẽ hiểu thế nào về khoa học xã hội nhân văn tại Đông Nam Á, đó là sự đa dạng, bản sắc và cùng sự quan tâm; về sự phát triển không đồng đều và các vấn đề xuyên biên giới; từ đó chúng ta có thể hình dung ra một "công dân" của Đông Nam Á là điều có thể thực hiện. Chính điều này mới có thể xây dựng nên "vai trò của khoa học xã hội và nhân văn trong giáo dục của Đông Nam Á". Tuy nhiên, các trường đại học Đông Nam Á đã sẳn sàng cho những vấn đề này chưa? đó là điều cần được xem xét tỉ mỉ hơn. Về mặt giải pháp, GS.TS. Feliece I. Yeban đề xuất một số vấn đề đối với trường thành viên AsTEN cần có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả, tăng cường trao đổi học giả và sinh viên đến các trường thành viên học tập và nghiên cứu. Tăng cường đối thoại giữa giáo viên, sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn để có sự thấu hiểu về tính đa dạng văn hóa, bản sắc của các nước thuộc thành viên AsTEN từ đó mới xây dựng được sự chia sẻ, hợp tác cùng phát triển. Hoàn thiện cơ chế trao đổi giáo viên, sinh viên giữa các trường, để chúng ta thực hiện nó từ ý tưởng đến hành động cụ thể, các nhà nghiên cứu về giáo dục Việt Nam, TS. Hoàng Mai Khanh – Trưởng Khoa Giáo dục, ThS. Nguyễn Duy Mộng Hà – Trưởng phòng Khảo thí - Đảm bảo chất lượng cũng đã trình bày nghiên cứu về giáo dục Việt Nam hiện nay, trong đó có tầm nhìn, sứ mạng cũng như những yêu cầu đối với sinh viên đã có nhiều thay đổi, đáp ứng được yêu cầu xã hội đối với sinh viên khoa Giáo dục. Bên cạn đó, là trường có sinh viên nước ngoài theo học rất lớn, hơn 3000 sinh viên theo học từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ, Campuchia, Lào, Maylaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc..., thuận tiện cho việc thực hiện trao đổi văn hóa với sinh viên Việt Nam, nhằm giúp cho sinh viên có cái nhìn đa văn hóa, toàn diện để phát triển, cũng là một trong những điều quan trọng mà trường ĐH KHXH&NV đang thực hiện thông qua nhiều chương trình cụ thể.

Theo sau Hội nghị bàn tròn là diễn đàn cùng chủ đề diễn ra ngày 19/04/0216 với với tham luận mang tính chiến lược, hướng đến triết lí "Giáo dục toàn diện - Khai phóng - Đa văn hóa" của PGS.TS. Võ Văn Sen được các đại biểu AsTEN tán thành, nhất với triết lí trên có thể giúp cho sự đa dạng văn hóa của Đông Nam Á tìm được điểm chung chứ không phải tạo ra nhiều sự khác biệt. Sau "Đổi mới", giáo dục Việt Nam đã có nhiều thay đổi, ngành khoa học xã hội nhân văn đã có những thay đổi về mặt phương pháp tiếp cận từ vi mô đến vĩ mô, có những đóng góp cho làm thay đổi đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Do đó, khoa học xã hội nhân văn trước những biến đổi của thế kỷ 21, vẫn giữ nguyên những giá trị lớn lao của nó.

Ngoài ra, tại hội thảo các tham luận được trình bày của tác giả Ace Suryadi đến từ ĐH Pendidikan – Indonesia; GS. Arild Tjeldvoll đến từ Na Uy; TS. Surachai Jewcharoensakul đến từ Khoa Giáo dục trường đại học Kasetsart, Bangkok – Thái Lan chủ yếu tập trung vào các vấn đề sau:

TS. Surachai Jewcharoensakul đến từ Khoa Giáo dục trường đại học Kasetsart, trình bày ý kiến. Ảnh: Việt Thành
 

1. Thấu hiểu bản sắc văn hóa để cùng chia sẻ
- Văn hóa Đông Nam Á có sự tương đồng và khác biệt, việc kết nối văn hóa các dân tộc lại là điều hết sức khó khăn nếu không có sự thấu hiểu về bản sắc văn hóa các dân tộc Đông Nam Á. Sự ảnh hưởng các nền văn hóa lớn Ấn Độ và Đông Á đã làm cho các văn hóa dân tộc ở Đông Nam Á có tính đa dạng cao cũng như lòng khoan dung và sự tích hợp đa văn hóa trên nền tảng định hướng hình thành bản sắc văn hóa Đông Nam Á. Tính đa dạng cũng tạo nên nhiều khó khăn, PGS.TS. Võ Văn Sen chia sẻ thêm sự khó khăn đó tại Đông Nam Á, không những trong văn hóa, công nghệ mà cả phát triển con người, trong đó có văn hóa. Văn hóa của nhân loại cần được chú trọng và phát triển trọng toàn diện mới tạo ra sự phát triển của con người.
- Bản sắc văn hóa phải là những nét đặc trưng, độc đáo và cơ bản nhất để nhận diện một nền văn hóa và để phân biệt nền văn hóa này với một nền văn hóa khác. Từ đó, thấu hiểu bản sắc văn hóa các nước khác để chia sẻ, học hỏi vì sự phát triển công bằng, bác ái, bền vững, nền tảng xây dựng một xã hội đạo đức là điều hết sức cần thiết. TS. Surachai Jewcharoensakul đến từ Khoa Giáo dục – trường đại học Kasetsart Thailand, trong tham luận của mình đã nói đến bản sắc văn hóa Đông Nam Á, với tính cách trầm lắng, việc xây dựng những hành động cụ thể về văn hóa, chúng ta cần chú ý đến yếu tố này của bản sắc văn hóa Đông Nam Á. Điều này được các đại biểu đến từ Singapore, Myanmar đồng ý và cẩn thận chú trọng nghiên cứu các bản sắc văn hóa, các giá trị để có được sự tương đồng trong phát triển của AsTEN. Tóm lại, đấy chính là mục đích của giáo dục khi trang bị bản sắc, tính phổ quát đến cho cá nhân và quốc gia. AsTEN cần tập trung nghiên cứu thêm về các vấn đề mang tính bản sắc để không bỏ sót các yếu tố có thể gây nên sự cản trở của sự phát triển vì một cộng đồng ASEAN thống nhất.

2. Kiến thức toàn diện đối với giáo viên là điều cần thiết
Để mục đích của giáo dục khi trang bị bản sắc, tính phổ quát đến cho cá nhân và quốc gia, người giáo viên cần có kiến thức toàn diện, chứ không chỉ là phương pháp giảng dạy hay chỉ một chuyên ngành được đào tạo. Người giáo viên không chỉ cần kiến thức văn học, văn hóa, toán học, lịch sử, địa lý mà cần biết thêm về khoa học xã hội, đặc biệt là xã hội học, được xem "khoa học nghiên cứu về xã hội" giúp giải quyết các vấn đề xã hội dưới góc độ các mối quan hệ, vai trò, vị trí của con người trong các mối tương quan xã hội, hành động xã hội, sự kiện xã hội... Xã hội học giúp làm rõ vấn đề xã hội bằng các công cụ điều tra của mình định tính, định lượng, xem xét dưới góc độ vi mô, vĩ mô đối với các vấn đề liên quan chính sách xã hội hay trong sự phân tầng giáo nghèo, chủng tộc, giai cấp, tôn giáo, giới, văn hóa và ngôn ngữ, chuẩn mực xã hội, tội phạm và trừng phạt, sức khỏe, giàu nghèo, cấu trúc gia đình và tính di động xã hội. Đặc biệt là các chuyên ngành của xã hội học nghiên cứu đến sự thay đổi xã hội, phân tầng xã hội, tính di động xã hội, mối quan hệ các thân tộc, xã hội học về giáo dục, hệ thống các tập đoàn, luật pháp, xã hội công nghiệp, xã hội học luật pháp, xã hội học sức khỏe, xã hội học môi trường, người khuyết tật, nghiện ma túy, luật pháp và nhà nước, chính trị, xung đột bản sắc... tạo nên cái nhìn đa dạng cho người giáo viên, nhất là cách tiếp cận của ngành học này giúp cho người giáo viên một cái nhìn toàn diện, nhận định các vấn đề xã hội dựa trên hệ thống dữ liệu để phân tích. Ngoài ra, giáo viên cũng cần trang bị các kiến thức về công tác xã hội, dù cho giữa công tác xã hội và xã hội học có nhiều điểm chồng lấn nhưng công tác xã hội chú trọng đến các vấn đề cá nhân, nhóm hay cộng đồng cụ thể hơn, nó giúp thay đổi các chính sách cho các vấn đề an sinh xã hội của con người, TS. Surachai Jewcharoensakul thấy rằng, điều này là cần thiết và được ứng dụng tại Khoa Giáo dục của trường đại học Kasetsart trong những năm gần đây. Các đại biểu đến từ các trường đại học Campuchia, Indonesia, Philippines đồng ý với việc sinh viên ngành giáo dục cần thiết trang bị thêm kiến thức công tác xã hội đại cương và một số chuyên ngành xã hội học và đào tạo.

3. Hoạt động ngoại khóa
Chương trình ngoại khóa về giao lưu văn hóa, có thể bắt đầu từ hoạt động câu lạc bộ đội nhóm của sinh viên làm nhân tố xây dựng sự chia sẻ, thấu hiểu bản sắc văn hóa của các nước thành viên AsTEN. TS. Surachai Jewcharoensakul đến từ Khoa Giáo dục – Trường Đại học Kasetsart Thailand, góp ý về việc các trường cần chú trọng đến các CLB Đội nhóm, vì đây chính nơi tạo nên động lực cho sinh viên tham gia các hoạt động xã hội, phục vụ nghiên cứu, tích nạp thêm kinh nghiệm thực tế cho bản thân, ĐH Thái Lan rất chú trọng vấn đề này, và có chính sách hỗ trợ tối đa, nhất là các chương trình giao lưu văn hóa quốc tế. Đại diện trường ĐH Pendidikan Sultan Idris, Malaysia, nhắc đến các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên, trong đó việc tìm hiểu văn hóa ASEAN là điều cần thiết, nó là điều kiện để người giáo viên có thể phát triển kiến thức về xã hội nhân văn, giúp cho sinh viên kiến thức để đạt một tầm nhận thức cao hơn về bản sắc văn hóa của các quốc gia Đông Nam Á. Hiện nay, khi lãnh đạo các quốc gia ASEAN đang có những hợp tác cụ thể nhằm mang lại tính đa dạng, bản sắc và thấu hiểu của các thành viên cùng hợp tác để một ASEAN phát triển thịnh vượng, hòa bình, thì bản thân AsTEN cần chú trọng vấn đề nay hơn.

 

Các thành viên AsTEN chụp hình lưu niệm. Ảnh: Việt Thành

Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học sư phạm Đông Nam Á lần thứ 4, Hội nghị bàn tròn và Diễn đàn đã đi đến những thống nhất trong việc xây dựng chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên trong thời gian tới. Đồng thời chú trọng đến việc đưa vào chương trình đào tạo các môn học như văn hóa ASEAN, bản sắc văn hóa,… nhằm tạo ra sự thấu hiểu và chia sẻ vì một Đông Nam Á thịnh vượng. Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học sư phạm Đông Nam Á lần thứ 5 sẽ do Trường Đại học Kasetsart – Thái Lan đăng cai tổ chức vào tháng 11 năm 2016.

AsTEN
Là 1 mạng lưới khu vực, AsTEN mang sứ mạng cải thiện chất lượng cho việc đào tạo giảng viên qua các hoạt động hợp tác học thuật, giảng dạy, nghiên cứu, xuất bản, trao đổi giảng viên và sinh viên, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, tổ chức sự kiện văn hóa các quốc gia ASEAN, vv... Cải thiện chương trình đảm bảo chất lượng nhằm nâng cao chất lượng chương trình đào tạo ngành sư phạm cũng là vấn đề trọng tâm nhằm tìm ra những giải pháp cho các vấn đề và thách thức liên quan chương trình đào tạo giảng viên, kế hoạch thực tập sư phạm, hoạch định chính sách trong khu vực ASEAN. Với sứ mạng như trên, AsTEN nhắm đến những mục tiêu: (1) Thiết lập 1 mạng lưới kết nối các trường/viện giáo dục sư phạm trong và ngoài khu vực ASEAN tạo diễn đàn cho thảo luận, trao đổi ý tưởng, vạch ra hành động chiến lược và chính sách cải cách giáo dục; (2) Thúc đẩy công tác nghiên cứu về giáo dục sư phạm, giảng dạy; (3) Phát triển công tác truyền bá kiến thức, thông tin qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu mang tính quốc tế và xuyên quốc gia giữa các trường, viện sư phạm; (4) Tăng cường hiểu biết về lịch sử, văn hoá, truyền thống, các giá trị của các quốc gia ASEAN như là đưa các chủ đề này vào chương trình đào tạo (cơ bản không chỉ cho ngành sư phạm mà cà các ngành đào tạo khác); (5) Tạo nên sự đoàn kết và gắn kết giữa các học giả, chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong khu vực và khắp thế giới; và (6) Phát triển nguồn nhân sự chuyên ngành Sư phạm trong khu vực qua việc đưa ra những cải tiến, những sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng trong lãnh vực sư phạm. Mục đích chính của AsTEN là nhằm tạo ra một cộng đồng ASEAN hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau phát triển vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng khu vực – nơi mọi người dân có thể sống hòa thuận với nhau, cùng nhau chia sẽ những ước mơ và hy vọng để hướng đến hình thành nền an ninh và hòa bình thế giới.

Một số hình hình ảnh hội nghị AsTEN

 

Sinh viên ĐHKHXH&NV biểu diễn văn nghệ chào mừng hội nghị 

PGS.TS. Võ Văn Sen tặng quà cho Lãnh đạo trường ĐH Myanmar

Kết nạp thành viên thứ 10 của tổ chức AsTEN

Phòng QLKH-DA

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 10699816

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.