Hiệu trưởng tham dự Hội thảo khoa học quốc tế và cuộc họp với Hiệu trưởng các Trường Đại học ASEAN

Hiệu trưởng tham dự Hội thảo khoa học quốc tế và cuộc họp với Hiệu trưởng các Trường Đại học ASEAN

Từ ngày 10-12/8/2016, PGS.TS.Võ Văn Sen – Hiệu trưởng đã tham dự Hội thảo khoa học quốc tế lần 3 về “Kinh doanh, Kinh tế và Khoa học xã hội” và tham dự cuộc họp với Hiệu trưởng các Trường Đại học ASEAN.
 

Chương trình được tổ chức tại Bali, Indonesia, do Trường Đại học Kinh tế Indonesia tổ chức.
 

Hội thảo khoa học quốc tế về “Kinh doanh, Kinh tế và Khoa học xã hội” lần 1 đã được tổ chức ở Bali, Indonesia vào tháng 6 năm 2014 và Hội thảo lần 2 được tổ chức tại Lombok, Indonesia vào tháng 8 năm 2015. Cả hai Hội thảo lần 1 và lần 2 đều được đánh giá rất thành công về số lượng người tham dự cũng như chất lượng của các buổi thảo luận.

Hội thảo lần 1 thu hút 172 người tham dự từ 8 quốc gia (Indonesia, Đức, Canada, Malaysia , Thailand , Kenya , Brunei Darussalam và Bangladesh) với số lượng bài tham luận trình bày tại Hội thảo lên đến 138 bài (được hội đồng tuyển chọn trong số 180 tham luận với tỷ lệ 77 %). Hội thảo lần 2 có tới 170 bài tham luận từ 10 quốc gia (Czech, United Kingdom, Bangladesh, Malaysia, Thailand, USA, Algeria, Taiwan, Hong Kong và Indonesia) được trình bày trong Hội thảo.

Trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ và Thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với Trường Đại học Kinh tế Indonesia, Indonesia, Nhà trường tham dự Hội thảo lần 3 này với tư cách “đồng chủ nhà”.

Hội thảo lần 3 quy tụ gần 200 nhà quản lý (tập đoàn, chính phủ, tổ chức giáo dục, tổ chức xã hội), nhà nghiên cứu, học giả, sinh viên tại Indonesia và nước ngoài (từ 7 quốc gia (Indonesia, Malaysia, Singapore, Vietnam, Thailand, United Arab Emirates và Nigeria) nhằm chia sẻ các ý tưởng cũng như kinh nghiệm, đề xuất và thảo luận về các giải pháp trong lãnh vực kinh tế, thương mại và khoa học xã hội.

Về Hội thảo lần 3 này, theo lời mời từ phía Indonesia, với tư cách vừa là nhà quản lý giáo dục đại học vừa là một chuyên gia, Hiệu trưởng Nhà trường đại diện cho Việt Nam đã có báo cáo đề dẫn với chủ đề “Vai trò của Khoa học xã hội và nhân văn trong sự phát triển giáo dục đại học, kinh tế và xã hội”. Ngoài việc khẳng định vai trò của khoa học xã hội và nhân văn trong giáo dục đại học với triết lý “Giáo dục toàn diện, khai phóng và đa văn hóa”, báo cáo đề dẫn của Hiệu trưởng đã đề xuất một số chính sách, chiến lược, biện pháp nhằm tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa các lãnh vực khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế, thương mại nhằm tối ưu hóa hiệu quả đào tạo những công dân toàn diện phục vụ nhu cầu nhân lực trong thời đại khu vực hóa, toàn cầu hóa. Qua đó, Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh việc khai thác và phát huy vai trò của các trường đại học trong sự triển khai một cách hiệu quả các chính sách và biện pháp nêu ra trong Hội thảo này.


Bảng giới thiệu 2 báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, 
trong đó có 1 báo cáo đề dẫn là do Hiệu trưởng Nhà trường trình bày
 


Hiệu trưởng trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo

Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, cuộc họp networking giữa Hiệu trưởng các Trường Đại học ASEAN đã diễn ra rất sôi nổi, xoay quanh vấn đề “sự hài hòa của giáo dục đại học trong khu vực ASEAN”. Sự hài hòa của giáo dục đại học trong khu vực đòi hỏi sự nhận thức tầm quan trọng của hợp tác giáo dục khu vực và tầm quan trọng của việc thiết lập một "khu vực của kiến thức", có nhấn mạnh đến các hoạt động tương tác trong chương trình giáo dục đại học nhằm trang bị kỹ năng cần thiết chuẩn bị cho môi trường làm việc tương lai. Để có được sự hài hòa này, mọi cư dân phải thừa nhận sự đa dạng của hệ thống giáo dục đại học và của các nền văn hóa trong khu vực. Một khu vực ĐNA trong bối cảnh siêu quốc gia, tuy với các nền văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ và hệ thống giáo dục khác nhau, nhưng phải phát triển một hệ thống hài hoà của giáo dục để nó có thể thúc đẩy một mức độ cao hơn của sự hiểu biết, ý thức về mục đích chia sẻ và vận mệnh chung trong sự toàn cầu hóa. Như vậy, các trường đại học trong khu vực ASEAN cần chung tay chung sức thiết lập một mạng lưới như là một “không gian chung của giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á” để nhận ra sức mạnh và sự tương đồng trong các hoạt động học tập mà không mất đi bản sắc riêng của từng quốc gia, đảm bảo khả năng tương thích của trình độ và kết quả học tập trong các nước ASEAN. Ngoài ra, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các giảng viên trong việc tạo ra và phát triển kiến thức mới và có sự hợp tác chặt chẽ giữa các ngành lao động trong việc tạo ra và phát triển công ăn việc làm. Như vậy, sinh viên tại các quốc gia khác nhau được cung cấp cùng một chất lượng giáo dục; Sinh viên tốt nghiệp từ một trong những nước được tuyển dụng bởi các ngành công ăn việc làm ở các nước khác; Sinh viên tốt nghiệp có khả năng làm việc trong môi trường đa quốc gia,... Tất cả không ngoài mục đích: tạo ra một xã hội tri thức, tăng cường nhận thức về ASEAN cho mọi cư dân thông qua giáo dục và các hoạt động giáo dục, xây dựng một bản sắc ASEAN dựa trên tình hữu nghị và hợp tác; từ đó thúc đẩy tính di động, tăng công ăn việc làm, phát triển kinh tế xã hội.

Nhằm đáp ứng thị trường lao động, chính phủ các nước thành viên ASEAN cần tăng cường hơn nữa đầu tư vào các trường đại học để hỗ trợ cho giáo dục đại học ASEAN và nền kinh tế tri thức của khu vực. Cần có những sáng kiến tiên phong khả thi nhằm mở đường cho sự hợp tác hơn nữa và tích hợp giữa các trường đại học trong khu vực, nâng cao uy tín chung của các trường đại học ASEAN so với đối thủ cạnh tranh ở phương Tây và các nơi khác trên thế giới.

Tại cuộc họp networking này, một số kế hoạch hành động cần thiết phục vụ cho việc hài hòa giáo dục đại học trong cộng đồng ASEAN đã được thảo luận chi tiết như vấn đề Kiểm định chất lượng; Chương trình đào tạo liên thông; Nâng cao chất lượng giáo dục qua các hoạt động hợp tác quốc tế (học bổng; trao đổi sinh viên, giảng viên; đào tạo/tập huấn chuyên môn; thực tập; liên hết đào tạo; tổ chức các khóa kỹ năng ngắn hạn;…); Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về ASEAN để hỗ trợ phát triển nhân lực và để đạt tiêu chuẩn khu vực, góp phần vào sự tiến bộ về chất lượng và kỹ năng của người lao động ở tất cả các nước thành viên ASEAN; Tăng cường năng lực tiếng Anh cho người lao động vì tiếng Anh là một công cụ quan trọng để giao tiếp và làm việc;…


Networking metting: Hiệu trưởng làm việc với Hiệu trưởng các Trường ĐH ASEAN khác


Hiệu trưởng tặng quà lưu niệm cho TS. Irvan Noormansyah – Chủ tịch ICBESS 2016

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 10686832

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.