Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Đại học Harvard thăm và thuyết trình tại Trường ĐH KHXH&NV

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Giáo sư Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng Đại học Harvard (Hoa Kỳ), sáng ngày 23-3, Giáo sư Faust cùng các đồng sự đã làm việc với lãnh đạo Đại học Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH KHXH&NV về khả năng hợp tác giữa hai đại học. 

Phía Đại học Harvard có sự hiện diện của GS. Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng cùng đoàn lãnh đạo, giảng viên Trường Đại học Harvard. 

GS. Drew Gilpin Faust trao đổi với lãnh đạo ĐHQG-HCM và ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Ảnh: Việt Thành.

 

Đón tiếp đoàn Đại học Harvard có PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQG-HCM; PGS.TS. Dương Anh Đức, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM; PGS.TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV;  TS. Ngô Thị Phương Lan, ThS. Phan Thanh Định - Phó Hiệu trưởng; ThS. Bàng Anh Tuấn, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế và Phát triển dự án Quốc tế, cùng sự tham dự của đại diện ĐHQG-HCM, cán bộ, giảng viên, sinh viên trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM. 

 

 

Lãnh đạo ĐHQG TP.HCM và Trường ĐH KHXH&NV tại buổi làm việc. Ảnh: Việt Thành

 

PGS.TS Võ Văn Sen tặng bức tranh thêu tay chợ Bến Thành cho Giáo sư Faust. Ảnh: Việt Thành

 

Tại buổi làm việc, PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt đã giới thiệu tổng quan về hệ thống ĐHQG-HCM, những thành tích nổi bật trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.  Giám đốc cho biết đây là cầu nối tin cậy và quan trọng cho mối quan hệ giữa Đại học Harvard và ĐHQG TP.HCM trong tương lai. PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt đã nhấn mạnh về vai trò của việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử không chỉ đối với các nhà nghiên cứu mà còn đối với các bạn trẻ trong bối cảnh toàn cầu hoá.

 

  

 PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt phát biểu chào mừng đoàn Đại học Harvard. Ảnh: Việt Thành.
 

Phát biểu giới thiệu và chào mừng phái đoàn Đại học Harvard, PGS.TS. Võ Văn Sen chia sẻ về dự án đã được hai trường thảo luận: “Trong thời gian qua, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã nhận 50 học bổng dành cho cán bộ giảng viên nhà trường để đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ cũng như nhiều chương trình học bổng ngắn hạn, trao đổi học giả. Tại buổi làm việc, Nhà trường đã đề xuất hợp tác với Đại học Harvard trong hai dự án nghiên cứu lớn là: Dự án nghiên cứu Phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long dưới góc nhìn khoa học xã hội và nhân văn và dự án Nghiên cứu Phát triển bền vững Việt Nam trong thời đại toàn cầu hoá dưới góc nhìn khoa học xã hội và nhân văn.

 

Thay mặt trường Đại học Harvard, GS. Drew Gilpin Faust cảm ơn sự đón tiếp trọng thị từ phía Trường ĐH KHXH&NV và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Bà đánh giá cao về những thành tựu mà Nhà trường đã đạt được trong thời gian qua với vai trò là một trong những cơ sở giáo dục hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. GS. Faust cũng nhấn mạnh việc trường Đại học Harvard cho biết sẽ nghiên cứu những vấn đề mà hai bên có thể hợp tác.

 

 

Tiếp đó, GS. Drew Gilpin Faust gửi đến các giảng viên và sinh viên Trường ĐH KHXH&NV phần thuyết trình về chủ đề Nội chiến Hoa Kỳ - “Cuộc chiến đã qua đi: Hồi ức và bài học lịch sử”. 

 

Mở đầu bài thuyết trình, Giáo sư Faust cho biết một trong những lý do mà bà chọn Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM để thăm, làm việc và thuyết trình là "Trước khi trở thành Hiệu trưởng Đại học Harvard, tôi là một học giả và giảng viên lịch sử trong suốt hơn ba mươi năm. Vì vậy, tôi đặc biệt vui mừng được có mặt tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, một trung tâm nghiên cứu lịch sử hàng đầu của Việt Nam". Bà cũng cho rằng "Việc có mặt tại đây, ở đất nước các bạn, đối với tôi mang rất nhiều ý nghĩa, bởi vì nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng của hai quốc gia đã quyện chặt vào nhau và ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước theo cách nói của các bạn –và “Chiến tranh Việt Nam” theo cách gọi của chúng tôi – đã mãi mãi định hình thế hệ chúng tôi, những người trưởng thành trong thập niên 1960-1970. Dù rằng suốt những năm tháng đó, tôi chưa từng vượt 8000 dặm để đặt chân đến nơi này, nhưng những địa danh như Khe Sanh, Pleiku, Ấp Bắc, Điện Biên Phủ, Vịnh Bắc Bộ, Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, Hà Nội luôn không ngừng vang vọng trong tâm trí tôi trong suốt mấy thập kỷ qua. Tôi đã hằng mong ít nhất một vài địa danh trong số này không chỉ dừng ở con chữ. Các bạn có một khẩu hiệu nhắn gửi khách du lịch rằng “Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh.” Giống như rất nhiều người Mỹ khác từng đến đây, tôi vẫn hằng mong đến một ngày nào đó, Việt Nam trong tâm trí tôi không phải tên gọi của một cuộc xung đột bất ngờ ập đến với thế hệ chúng tôi, mà là một quốc gia và xã hội với tất cả sự phức hợp, vẻ đẹp, lịch sử, sự sống động và triển vọng của nó".

 

Giáo sư cũng cho rằng Nội chiến Hoa Kỳ đã lùi xa gần hơn 100 năm nhưng những di sản của nó vẫn ám ảnh nước Mỹ "Trong lịch sử chiến tranh Hoa Kỳ, cuộc Nội chiến kéo dài từ năm 1861 đến năm 1865 giữ vị trí cốt lõi trong căn tính quốc gia. Sự tàn bạo và ý nghĩa sống còn của cuộc Nội chiến khiến nó, cho đến tận ngày hôm nay, vẫn choán một mảng lớn trong tâm thức dân tộc, và nó cũng là trọng tâm nghiên cứu và viết sử của tôi.

 

Rất nhiều tranh luận quan trọng về cuộc chiến – về công lý, bình đẳng, dân quyền, dân chủ và trung tâm quyền lực quốc gia – tiếp tục định hình các chính sách của nước Mỹ cả một thế kỷ rưỡi sau khi chiến tranh kết thúc. Và chúng tôi vẫn tiếp tục tự vấn một cách nhọc nhằn về ý nghĩa của cuộc chiến đối với tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại cho đến tận bây giờ. Người Mỹ vẫn vật lộn với việc sử dụng lá cờ liên minh miền Nam (Confederate flag), biểu tượng của phần lãnh thổ sẽ là quốc gia da trắng phương Nam, đấu tranh để giữ chế độ nô lệ da đen, một biểu tượng ngày nay được đa số người Mỹ nhìn nhận như là một sự sỉ nhục và rào cản của bình đẳng sắc tộc". 

  

Cuối bài thuyết trình, Giáo sư Gaust đúc kết: “Tại sao lựa chọn chiến tranh? Tại sao anh phải viết về cuộc chiến?” nhân vật Kiên trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh tự vấn. Ngay cả khi anh ta cố gắng hết sức để tìm một chủ đề khác, anh cũng “không thể thôi viết về chiến tranh”. Cũng như anh, chúng ta viết, chúng ta trò chuyện và chúng ta ghi nhớ bởi chúng ta đều cố gắng để hiểu chiến tranh đã nhào nhặn chúng ta ra sao. Việt Nam và Hoa Kỳ đã đối đầu nhau trong một cuộc chiến kéo dài và tàn phá nặng nề. Giờ đây, riêng cũng như chung, chúng ta đang đối diện với hậu quả của nó.

Trong nỗ lực này, lịch sử là điều không thể thiếu. Lịch sử giúp chúng ta đối diện với những vong hồn và ma quỷ mà bi kịch quá khứ để lại như một di sản cho hiện tại. Nó soi rọi những sự mù quáng và tàn bạo đã làm nên chiến tranh. Nó giúp chúng ta hình dung và đấu tranh cho hòa bình".

 

GS. Drew Gilpin Faust thuyết trình tại trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM. Ảnh: Kiều My.

​ 

Trong phần trả lời báo chí, GS. Drew Faust đã chia sẻ về lý do sang thăm Việt Nam “Lý do tôi chọn VN thăm vì muốn hiểu sâu hơn về đất nước của các bạn. Tôi và nhiều người Mỹ biết về Việt Nam từ những năm tháng cũ. Tôi muốn đến tìm hiểu về một Việt Nam năng động, đổi mới cũng như là về các lĩnh vực khác. Tôi thấy người Mỹ hiện nay quan tâm Việt Nam, nước Mỹ có thể sẽ là thị trường cho những sản phẩm văn hóa của Việt Nam.”

 

Việc bà chọn ĐH KHXH&NV để thăm và thuyết trình vì bà cho rằng đây là trường đại học hàng đầu Việt Nam về việc nghiên cứu ngành khoa học xã hội nhân văn, đặc biệt là sử học. Đồng thời Giáo sư D.G. Fauts cũng cho biết nếu các sinh viên Việt Nam có ý định du học tại Harvard, trường sẽ xem xét cũng cấp học bổng một cách bình đẳng.

 

GS. Drew Gilpin Faust trả lời câu hỏi từ phía các cơ quan báo chíẢnh: Thành Đạt.

 

Trong chuyến viếng thăm Việt Nam lần này, GS. Drew Gilpin Faust cũng đã có buổi gâp gỡ các cựu sinh viên của Harvard; tìm hiểu về hoạt động của Harvard tại Việt Nam, bao gồm dự án trường Đại học Fulbright Việt Nam; tăng cường cơ hội hợp tác của Harvard với Việt Nam; và tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa Việt Nam. GS. Drew Gilpin Faust đánh giá cao vai trò quan trọng của Việt Nam đối với lịch sử hiện đại của nước Mỹ.

  

 THÀNH TỰU CỦA GS. DREW GILPIN FAUST

GS Drew Gilpin Faust là hiệu trưởng thứ 28 của ĐH Harvard và là giáo sư sử học danh hiệu Lincoln (trường Khoa học và Nhân văn, ĐH Harvard).

Trên cương vị là Hiệu trưởng của Harvard, GS Faust đã mở rộng hỗ trợ tài chính, giúp sinh viên ở mọi hoàn cảnh kinh tế khác nhau theo học tại trường, nâng cao vai trò của giáo dục khai phóng và đẩy mạnh việc nhận tài trợ từ chính phủ liên bang cho nghiên cứu khoa học.

Trong nhiều năm, ở nhiều bảng xếp hạng của các tổ chức giáo dục, ĐH Harvard luôn được đánh giá là một trong những trường đại học hàng đầu thế giới.

Bà là tác giả của 6 đầu sách. Cuốn sách gần đây nhất của bà, “This Republic of Suffering: Death and the American Civil War” do nhà xuất bản Alfred A. Knopf phát hành năm 2008, đánh giá tác động của số thương vong khổng lồ trong cuộc nội chiến lên đời sống nhân dân Hoa Kỳ vào thế kỷ XIX. Tác phẩn này đoạt giải Bancroft vào năm 2009, vào danh sách chung kết cho giải National Book Award và giải Pulitzer, được báo The New York Times vinh danh là một trong 10 sách hay nhất năm 2008.

 

Một số hình ảnh trong chuyến thăm và làm việc của GS. Drew Gilpin Faust tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM:

 

PGS.TS. Võ Văn Sen tặng hoa chào mừng GS. Drew Gilpin Faust đến thăm và là việc tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.
Ảnh: Kiều My.

 

 PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, PGS.TS. Võ Văn Sen tặng quà lưu niệm cho GS. Drew Gilpin Faust. Ảnh: Việt Thành.

 

Giáo sư Faust viết sổ lưu niệm của Trường ĐH KHXH&NV. Ảnh: Việt Thành

 

Giáo sư Faust thuyết trình chủ đề Nội chiến Hoa Kỳ. Ảnh: Việt Thành.

 

Các đại biểu cùng chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Việt Thành.

 

Giáo sư Faust và PGS.TS Võ Văn Sen chụp hình lưu niệm cùng các sinh viên Trường. Ảnh: Việt Thành

 

 

 

 

Thực hiện: Mai Phương - Mạnh Khang - Thảo Trang - Nhật Lệ - Thành Đạt - Kiều My

Tải vềKích thước
File dgf_speech_3.13.17_v.docx34.91 KB

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 10693438

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.