Tình yêu không cần bí kíp

Những ngày vừa qua, báo chí Canada đăng tải câu chuyện về thảm kịch cô gái người Canada gốc Việt Jennifer Pan thuê người giết chết chính cha mẹ ruột mình, được viết bởi một người học cùng trường với cô (1).

Đỉnh điểm của câu chuyện là khi những năm tháng dối trá bị phát hiện: Jennifer đã bị cha mẹ giám sát mọi hoạt động, tịch thu một số phương tiện giải trí và bắt cô chia tay bạn trai. Phẫn nộ, uất ức và áp lực sau nhiều năm tháng bùng nổ, cô thuê người giết cha mẹ mình!Người bạn cùng trường nhưng nhỏ lớp hơn ấy, Karen Ho, đã kể lại tỉ mỉ quá trình trưởng thành cùng những lời nói dối của Jennifer Pan với cha mẹ về thành tích học tập. Từ chuyện cô làm bảng điểm giả vào cuối năm cấp II, đến lời nói dối về việc được nhận vào một trường đại học danh tiếng (thật ra Jennifer rớt môn toán và không thể tốt nghiệp trung học).

“Trường đua con”

Một số người đã vội kết luận thảm kịch của Jennifer là một thí dụ đáng buồn nữa của việc nuôi dạy con theo kiểu “cha mẹ Hổ”. Năm 2011, bà Amy Chua, giáo sư luật của Đại học Yale, xuất bản quyển sách Khúc chiến ca của mẹ Hổ chia sẻ cách dạy con hà khắc nhưng hiệu quả (xem TTCT các số từ 19 đến 23 năm 2011). Amy Chua tự hào rằng nhờ quá trình giáo dục này, hai cô con gái của bà đã có được thành tích học tập xuất sắc cùng ngón đàn điêu luyện, được các trường đại học ưu tú của Mỹ rộng cửa đón nhận.

“Khúc chiến ca” của bà Amy Chua ngay lúc đó đã gây tranh cãi: mặc dù hiệu quả của cách dạy con này rất ấn tượng, nhiều người lo ngại sự hà khắc của “mẹ Hổ” sẽ gây những hậu quả tâm lý tiêu cực, tạo cho trẻ nhiều áp lực và có thể dẫn đến trầm cảm. Giữa luồng xôn xao dư luận, vào năm 2011 bà Amy Chua vẫn được tạp chí Time của nước Mỹ chọn vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất, còn tạp chí The Atlantic thì chọn bà vào danh sách Brave Thinkers (Những nhân vật có tư duy đột phá).

Vào cuối năm 2014, khi cuộc chiến về cách dạy con của “mẹ Hổ” đã tương đối lắng xuống, quyển Taming the Tiger parent - how to put your child’s well being first in a competitive world (tạm dịch: Thuần hóa cha mẹ hổ - làm cách nào để đặt hạnh phúc của trẻ lên hàng đầu trong một thế giới cạnh tranh) của nhà báo Anh Tanith Carey được xuất bản (*).

Là một cây bút chuyên viết về giáo dục và cách nuôi dạy con, đã có bốn quyển sách nói về chủ đề tương tự, bà Carey lập luận rằng cách dạy con chỉ chú trọng vào thành tích sẽ gây thương tổn nặng nề cho trẻ và làm rạn nứt mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Bà Carey viết về “trường đua con” giữa các bậc cha mẹ và những hậu quả nghiêm trọng mà cuộc đua này gây ra cho trẻ nhỏ, trong đó có bệnh trầm cảm, chứng lo sợ kinh niên, hay chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).

Trường hợp cô con gái Lily của bà là một ví dụ điển hình: vào năm 10 tuổi, cô bé rơi vào trạng thái sợ hãi môn toán và tin rằng mình không thể nào làm toán được. Khi bà Carey đưa Lily đến bác sĩ tâm lý, bà phát hiện ra rằng Lily đã trở thành nạn nhân của những kỳ vọng khắc nghiệt của xã hội xung quanh: cô bé tự vẽ nên trong đầu hình ảnh của một “Lily xấu tính” (mean Lily) luôn phán xét, phê bình và tức giận vì tự cho rằng mình bất tài và không đủ giỏi.

Có thể giải thích hiện tượng này bằng khái niệm “internalization” (tạm dịch: Hấp thu xã hội) thường được nhắc đến trong tâm lý học hay xã hội học. Nó nói về quá trình con người tiếp cận những nền tảng giá trị, hệ thống niềm tin từ xã hội, cũng như cách họ được đối xử, và từ đó hình thành nên tư tưởng, quan điểm cá nhân và cách người ta tự nhìn nhận về chính mình. Quá trình này có sức ảnh hưởng rất lớn đến sự trưởng thành của một cá thể: nếu một đứa trẻ lớn lên giữa những lời phê bình gay gắt hay thường xuyên bị cha mẹ trừng phạt vì điểm thấp, vì không được thứ hạng cao, nó sẽ dần tin mình là một thất bại.

Quá trình “hấp thu xã hội” này không chỉ đến từ gia đình (nơi thường có sức ảnh hưởng lớn nhất đến cá thể) mà còn đến từ trường lớp, bạn bè hay những phương tiện truyền thông phản ánh niềm tin chung của xã hội. Ở đây, những định kiến, khuôn mẫu chung của xã hội về một bộ phận dân số sẽ phần nào định hình quá trình trưởng thành của bộ phận này.

Trong một xã hội đề cao sự thành công và tính ganh đua, những đứa trẻ, thông qua sự thúc ép và chế độ tập luyện nghiêm ngặt từ các “huấn luyện viên nhà”, dần hình thành ý nghĩ rằng giá trị của chúng nằm ở những thành tích và những chiếc cúp mà chúng đạt được. Khi gặp thất bại, chúng dần lo ngại rằng mình không đủ khả năng, mất tự tin vào bản thân và càng gặp thêm khó khăn trong học tập và hoạt động.

Tuy nhiên, đọc kỹ câu chuyện của Jennifer, không thể kết luận rằng cách dạy con của cha mẹ Jennifer là cách dạy gây tranh cãi của “mẹ Hổ”. Mặc dù Jennifer chịu sự quản thúc nghiêm ngặt và những kỳ vọng đầy áp lực từ gia đình (cha Jennifer muốn cô đậu đại học ngành dược), nhưng cha mẹ cô không rõ sức học của con mình, cũng như không hiểu hết về diễn tiến quá trình học của cô (nhờ vậy mà Jennifer đã có thể nói dối về chuyện học của mình suốt nhiều năm). Nếu so với cách dạy của “mẹ Hổ” Amy Chua thì cha mẹ Jennifer chỉ đơn thuần là kiểm soát đời sống và gây áp lực lên cô gái, chứ chưa có sự hỗ trợ phù hợp của một “huấn luyện viên Hổ”.

Dẫu vậy, thảm kịch của gia đình Jennifer Pan có sự liên hệ không nhỏ đến những lời cảnh báo của nhà báo Carey: Jennifer Pan là một ví dụ điển hình cho việc một đứa trẻ bị áp lực thành tích từ cha mẹ mà trở nên tự ti, trầm uất và rạn nứt quan hệ nghiêm trọng với cha mẹ.

Ngôi trường trung học của Jennifer cũng là một môi trường cạnh tranh điển hình, với những học sinh ưu tú và được người lớn kỳ vọng về mọi mặt. Sống giữa một môi trường đề cao sự xuất sắc trong học thuật và các hoạt động văn thể mỹ, Jennifer Pan có thể đã “hấp thu” những giá trị về tính cạnh tranh, dẫn đến việc cô không thể chấp nhận sự “thất bại” của mình (Jennifer hầu hết chỉ được điểm B - điểm khá, chứ không được điểm A - điểm tốt. Bảng điểm giả mà cô nộp cho cha mẹ thì toàn điểm A).

M.N
M.N

Tình yêu mà phải cố gắng để nhận được là thứ tình yêu hủy diệt con người nhiều nhất. Tanith Carey

Tình yêu, là tình yêu nào?

Liên tưởng tới môi trường học thuật ở Việt Nam, chương trình giáo dục hiện tại tuy chưa đề cao việc trẻ em phải giỏi toàn diện, không quá chú trọng những môn văn thể mỹ như nhạc, họa, thể thao, song cách tính điểm trung bình và xếp hạng học sinh đã cho thấy một sự kỳ vọng học sinh phải giỏi đều các môn từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội. Tính ganh đua cũng được đề cao, tạo ra một môi trường tâm lý đầy sức ép. Một điều đáng lưu ý nữa là với nền văn hóa chú trọng sự vâng lời và tư tưởng “con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, phụ huynh có thể dễ dàng sa vào cách dạy con mang tính kiểm soát, độc đoán, không lắng nghe con cái.

Các nghiên cứu về phương pháp dạy con chia ra ba kiểu dạy chính: authoritarian (tạm dịch: độc đoán), authoritative (dân chủ) và permissive (dễ dãi). Những nghiên cứu này đề cao hiệu quả của cách dạy dân chủ và chỉ ra những khiếm khuyết của cách dạy độc đoán hoặc dễ dãi. Nhiều nghiên cứu ở các nước khác nhau cùng đưa ra lập luận là cách dạy con độc đoán có ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của trẻ.

Cụ thể, ở Mỹ, nghiên cứu cho thấy trẻ em được nuôi dạy trong gia đình độc đoán thường khó hòa nhập với bạn đồng lứa và bị coi là thiếu độc lập (Lamborn et al 1991; Steinberg et al 1992; Steinberg et al 1994).

Ở Trung Quốc và châu Mỹ Latin, cách dạy con độc đoán, hà khắc, hay trừng phạt con có ảnh hưởng xấu đến năng lực xã hội của trẻ (Zhou et al 2004; Martinez et al 2007; Garcia and Gracia 2009). Ở Hà Lan, những đứa trẻ có cha mẹ độc đoán bị coi là thiếu chín chắn bởi giáo viên và bạn học (Dekovic and Jannsens 1997). 

Chính cách dạy độc đoán này đã buộc giới trẻ xem tất cả bạn bè cùng lớp là đối thủ, gián tiếp đẩy trẻ vào cuộc chơi phá vỡ luật lệ như gian lận thi cử (hiện tượng “phao” tràn ngập các phòng thi là minh họa sinh động nhất của việc phá vỡ luật lệ này), lấy đi năng lực sinh tồn và vui sống của trẻ...

Một điều không khỏi khiến ta suy nghĩ là ở thế kỷ 21 này, với tất cả sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, thì đây lại là thời đại tốt nhất nhưng cũng là tệ nhất cho trẻ em, bởi 30 năm trước ai có thể nghĩ rằng một đứa trẻ sống trong những gia đình khá giả căng thẳng tới mức mắc chứng rối loạn âu lo? Có lẽ không phải là quá trễ để “xuống thang” và nghĩ đến hạnh phúc của giới trẻ hơn là mài sắc móng vuốt cho cuộc đua tranh của chính những người lớn quá nhiều kỳ vọng?

Kịp thời nhận ra tác hại của phương pháp nuôi dạy “mẹ Hổ” đối với con gái, tác giả Carey chia sẻ quá trình “thuần hóa” chính mình. Bạn sẽ đọc thấy ở đây nhiều giải pháp, những mách nước cho đủ các bậc “cha mẹ Hổ”, từ tấn công tới thụ động, từ “cha mẹ trực thăng” ở Mỹ đến “mẹ kyoiku” ở Nhật...

Tuy nhiên, có lẽ đã quá đủ các loại “bí kíp” chỉ ta phải hành xử thế nào. Đã đến lúc những bậc cha mẹ quá nhiều kỳ vọng ngồi lại suy gẫm xem họ muốn gì? Nuôi dạy một đứa trẻ vui vẻ, bình thường hay nuôi dạy một đứa trẻ thành công nhưng cô đơn và không hạnh phúc?              

Sự cạnh tranh không hề giúp con cái chúng ta tốt hơn mà còn gây ra những hậu quả tồi tệ hơn rất nhiều. Trong số những nghiên cứu suốt 60 năm qua, có 65 nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ học tốt hơn trong sự phối hợp chứ không phải cạnh tranh nhau, 8 nghiên cứu đưa ra kết luận ngược lại và 36 nghiên cứu cho rằng không có khác biệt lớn (t.109 - Thuần hóa cha mẹ Hổ).

(*): Taming the Tiger parent - how to put your child’s well being first in a competitive world, Tanith Carey, bản dịch tiếng Việt: Thuần hóa cha mẹ Hổ - Hãy để con bạn khôn lớn theo cách hạnh phúc nhất. Ngô Thùy Linh dịch, NXB Dân Trí, Công ty 1980books phát hành, tháng 7-2015.

(1): http://www.torontolife.com/informer/features/2015/07/22/jennifer-pan-rev...

LINH AN

Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/cuoc-song-muon-mau/20150807/tin...

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 10665911

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.