Lựa chọn Khoa Giáo dục để thành nhân và thành công

Đó là gửi gắm của Tiến sĩ Hoàng Mai Khanh, Trưởng khoa Giáo dục đến các bạn trẻ dự kiến đăng ký xét tuyển theo học tại Khoa Giáo dục.

* Xin Tiến sĩ cho biết thông tin tổng quát về Khoa Giáo dục
Khoa Giáo dục được ĐHQG – HCM quyết định thành lập năm 1999 và chính thức tuyển sinh, đào tạo từ năm học 2000-2001, với hai chuyên ngành Quản lý giáo dục và Tâm lý giáo dục. Năm 2015 Khoa được Trường phê duyệt đề án thành lập Bộ môn Sư phạm; dự kiến tuyển sinh từ năm 2016.

Khoa Giáo dục là đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao phương pháp giáo dục hiện đại, với quy mô, loại hình và trình độ đào tạo đa dạng. Với chất lượng được đảm bảo và có uy tín, nguồn nhân lực được đào tạo từ Khoa Giáo dục đáp ứng nhu cầu xã hội trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học giáo dục, tư vấn giáo dục và quản lí giáo dục.

Khoa Giáo dục hiện có 17 cán bộ giảng dạy cơ hữu, trong đó có 6 Tiến sĩ, 1 NCS, 9 ThS và 1 CN, tốt nghiệp từ nhiều nước khác nhau trên thế giới. Ngoài ra, Khoa còn hợp tác với nhiều giảng viên, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục. Đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu của Khoa không ngừng tăng lên về số lượng và chất lượng, định hướng đến năm 2020 đội ngũ giảng dạy cơ hữu của Khoa sẽ phát triển đến 25 giảng viên. Khoa đã đào tạo được 1200 cử nhân và 100 thạc sỹ Quản lý giáo dục. Sinh viên, học viên tốt nghiệp của Khoa được xã hội đánh giá cao, đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước. 

* Theo học hệ đại học tại khoa Giáo dục, sinh viên sẽ học những kiến thức thức gì và đâu là điểm mạnh của cử nhân khi tốt nghiệp và tham gia vào thị trường lao động? 
Sinh viên tốt nghiệp Khoa Giáo dục có kiến thức cốt lõi của khoa học xã hội và nhân văn, kiến thức nền tảng của khoa học giáo dục và kiến thức chuyên ngành Tâm lý giáo dục hoặc Quản lý giáo dục. Sinh viên được trau dồi về các phẩm chất, kỹ năng cá nhân và nghề nghiệp cũng như kỹ năng xã hội như giao tiếp, làm việc nhóm và sử dụng công nghệ. 

Đặc biệt, sinh viên được rèn luyện các năng lực tư duy, năng lực nghề nghiệp, kỹ năng tác nghiệp trong những lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, tham vấn tâm lý và quản lý đào tạo, công tác hành chính giáo dục, quản lý học sinh, công tác nhân sự… tại các trường học, các cơ quan/ trung tâm giáo dục, các tổ chức phi chính phủ, các đoàn thể xã hội.

Chương trình đào tạo Quản lý giáo dục và Tâm lý giáo dục được thiết kế với các định hướng nghề nghiệp đa dạng trong lĩnh vực giáo dục, cùng với các hoạt động thực hành môn học, tham quan, kiến tập và thực tập, sinh viên tốt nghiệp Khoa Giáo dục có khả năng thích ứng và làm việc trong nhiều môi trường giáo dục khác nhau.
 

* Ngoài hoạt động học tập, sinh viên khoa có thể tham gia những hoạt động ngoại khóa nào? Và những hoạt động này giúp ích gì cho sinh viên, thưa Tiến sĩ?
Khi các bạn sinh viên vào Khoa Giáo dục, ngoài hoạt động học tập, sinh viên còn có thể tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa để rèn luyện kỹ năng và phát triển bản thân. Các hoạt động phong phú đa dạng, từ hoạt động hỗ trợ học tập, hoạt động Đoàn – Hội đến hoạt động văn hóa - thể thao, hoạt động công tác xã hội. 

Hoạt động hỗ trợ học tập do CLB Nhà giáo dục trẻ, Ban liên lạc Cựu sinh viên tổ chức như các chương trình: Phương pháp học Đại học, Tư vấn định hướng chuyên ngành, Tư vấn việc làm, Các chuyên đề học tập và nghiên cứu khoa học, Chiến lược thi cử, Cuộc thi Quyển sách tôi yêu, Cuộc thi Chuông vàng Giáo dục… 

Hoạt động phong trào, đoàn thể, công tác xã hội, thể thao, văn nghệ do Đoàn trường phát động, Ban chấp hành Đoàn – Hội của Khoa tổ chức như: Giao lưu với các sinh viên Quốc tế, Hội diễn văn nghệ tân sinh viên, Hội diễn văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, Chiến dịch Xuân tình nguyện, Chiến dịch Tiếp sức mùa thi, Chiến dịch Mùa hè xanh, Chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh các trường phổ thông, Hội thao Khoa Giáo dục, Ngày chủ nhật xanh, Triển lãm báo tường, hoạt động công tác xã hội tại các mái ấm, nhà mở …

Thông qua những hoạt động ngoại khóa này, sinh viên có được môi trường giải trí lành mạnh, giải tỏa căng thẳng trong học tập, đồng thời tạo cơ hội cho các em mở rộng các mối quan hệ, nâng cao sức khỏe và phát triển các kỹ năng cần thiết để học tập tốt hơn và hoàn thiện nhân cách. Đó sẽ là hành trang vững chắc nhất cho sinh viên khoa Giáo dục khi bước vào xã hội.

* Một trong những hoạt động mà sinh viên rất cần đó là thực tập thực tế để họ có thể ứng dụng kiến thực đã học vào thực tiễn. Vậy, hoạt động thực tập thực tế của sinh viên khoa được tổ chức như thế nào? 

Sinh viên Khoa Giáo dục có nhiều cơ hội tiếp xúc thực tế tại các cơ sở/tổ chức giáo dục, ứng dụng kiến thức đã học và có kinh nghiệm thực tiễn qua các hoạt động thực hành trong một số môn học và ba hoạt động chính trong suốt 4 năm học: Hoạt động thực tế, Kiến tập nghề nghiệp và thực tập chuyên ngành.

Nội dung các hoạt động trên của chuyên ngành Tâm lý giáo dục theo định hướng nghề nghiệp (nghiên cứu, giảng dạy, tham vấn tâm lý và các công việc khác), cụ thể như sau:
- Tìm hiểu, quan sát thực tế; nghiên cứu văn bản, tài liệu; nghe báo cáo; trao đổi về hoạt động của cơ sở tham quan thực tế (các cơ sở giáo dục; các cơ sở nghiên cứu về lĩnh vực khoa học giáo dục; các cơ sở tham vấn giáo dục; các cơ sở khác có liên quan đến lĩnh vực khoa học giáo dục).
- Tìm hiểu việc ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục vào thực tiễn hoạt động giáo dục và các lĩnh vực ngành nghề có liên quan. Cụ thể:
- Ứng dụng trong nghiên cứu các vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục.
- Ứng dụng trong công tác giảng dạy, đào tạo,…
- Ứng dụng trong công tác quản lý: giáo dục, nhân sự,...
- Hoạt động tham vấn giáo dục: tham vấn tâm lý, tư vấn giáo dục, tư vấn hướng nghiệp,…
- Ứng dụng trong các công tác, công việc khác: công tác chủ nhiệm lớp; hoạt động ngoại khóa; … tại cơ sở tham quan thực tế.

Sinh viên được tham gia vào các hoạt động thực tập, thực tế của chuyên ngành Quản lý giáo dục như sau:
- Tham quan thực tế trong 2 năm đầu của khóa đào tạo
- Kiến tập nghề nghiệp trong năm thứ 3 của khóa đào tạo
- Thực tập chuyên ngành trong năm cuối của khóa đào tạo
- Ngoài ra sinh viên cũng được thường xuyên tham gia các hoạt động gắn với chuyên môn nghề nghiệp cùng với các hoạt động do khoa, trường tổ chức; đặc biệt các môn học trong chương trình đào tạo cũng được thiết kế và tổ chức để sinh viên có cơ hội tiếp cận, thực hành, thực tế môn học ngay trong quá trình đào tạo.
 

Cử nhân ngành Giáo dục sau khi tốt nghiệp, có thể làm việc trong lĩnh vực nào và triển vọng thành công ra sao? 
Vị trí làm việc của nghề nghiệp nghiên cứu: làm chuyên viên, cán bộ nghiên cứu khoa học tâm lý tại các Viện nghiên cứu (Viện Khoa học Xã hội, Viện Tâm lý học, Viện nghiên cứu giáo dục, sư phạm…); trung tâm nghiên cứu (Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Tâm lý học, Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội, Trung tâm khảo thí, kiểm định chất lượng…);... 

- Vị trí làm việc của nghề nghiệp giảng dạy: làm giáo viên, giảng viên tại các trường học; cơ sở giáo dục nghề nghiệp; giáo dục đại học; cao đẳng; trung cấp chuyên nghiệp; viện nghiên cứu; các trường nghề;...

- Vị trí làm việc của tham vấn tâm lý: làm chuyên gia, chuyên viên tham vấn tâm lý tại các trung tâm tư vấn tâm lý, trường học, bệnh viện, viện sức khỏe tâm thần, các tổ chức xã hội, hành nghề độc lập,…

- Vị trí làm việc của quản lý: làm chuyên gia, chuyên viên quản lý đào tạo, học vụ tại các trường học (quản lý đào tạo, quản lý sinh viên, quản sinh, quản nhiệm,…), chuyên viên đào tạo, nhân sự, chuyên viên dự án tại các công ty, các cơ quan - tổ chức phi chính phủ…

Khả năng học tập nâng cao trình độ:
- Có khả năng tự học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ hoặc có thể học sau đại học (Thạc sĩ, tiến sĩ) trong nước và ngoài nước trong các chuyên ngành như: Tâm lý học, Giáo dục học, Quản lý giáo dục,…

- Có khả năng nghiên cứu và ứng dụng những kết quả nghiên cứu trong hoạt động của tổ chức.

* Thưa Tiến sĩ, xin Tiến sĩ gửi gắm đôi điều đến các học sinh đang có ý định xét tuyển theo hoc tại khoa Giáo dục?
Bạn đã chọn Giáo dục. Bạn có một chọn lựa đúng đắn. Trong 4 năm học, các bạn sẽ tích luỹ những tri thức và kỹ năng về giáo dục, tâm lý, quản lý. Các bạn sẽ được rèn luyện để trở thành người thầy – trước hết là người thầy cho chính mình để thành nhân. Đây là một điều rất quý. Bạn sẽ có khả năng là người thầy để tự tìm tòi và tự dạy cho mình những gì cần thiết để có một cuộc sống thật ý nghĩa.

Chúc các bạn -những nhà giáo dục tương lai -trở thành những người thầy vĩ đại – biết truyền cảm hứng cho chính mình và người khác nhờ luôn biết khai thác năng lực nơi chính mình và mở lòng cộng tác với người. Chúc các bạn thành nhân và thành công.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

KHOA GIÁO DỤC
Phòng B005, số 10 – 12 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM
Điện thoại: 08.38293828 (xin số 132)
 

TRANG THÔNG TIN TUYỂN SINH

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 10693646

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.