Hiệu trưởng tham gia Hội nghị các Hiệu trưởng ASEAN lần thứ 3 và Hội thảo khoa học quốc tế về “Xây dựng chuẩn đào tạo ngành sư phạm tại các quốc gia ASEAN”

Hội nghị diễn ra từ ngày 27/7 đến 30/7/2015, tại trường Đại học Sư phạm Indonesia (Universitas Pendidikan Indonesia, UPI), Bandung, Indonesia.

Hội nghị các Hiệu trưởng ASEAN được tổ chức 2 năm một lần và luân phiên giữa các quốc gia ASEAN, cụ thể là tại các trường đại học thành viên của AsTEN (The Association of Southeast Asian Teacher Education Network - Mạng lưới Sư phạm ASEAN). Hội thảo khoa học quốc tế lần này cũng được tổ chức tại trường Đại học Sư phạm Indonesia, Bandung – thành phố hội thảo khoa học quốc tế.
AsTEN bao gồm 9 trường đại học/viện thành viên đại diện cho 9 quốc gia ASEAN. AsTEN được thành lập ngày 17-9-2014 theo khởi xướng của Trường Đại học Sư phạm Philippine (Philippine Normal University), Cộng hoà Philippines. 

Về phía Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tham gia với tư cách là 1 trường đại học thành viên thuộc Mạng lưới Sư phạm ASEAN. 

Các Viện và Trường đại học thành viên sáng lập bao gồm (9):
1. Viện Giáo dục Quốc gia, Vương quốc Campuchia
2. Trường ĐH Pendidikan Indonesia, Cộng hoà Indonesia
3. Trường ĐH Quốc gia Lào, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào
4. Trường ĐH Pendidikan Sultan Idris, Malaysia
5. Trường ĐH Sư phạm Yangon, Cộng hoà Liên bang Myanmar
6. Trường ĐH Sư phạm Philippine, Cộng hoà Philippines
7. Viện Giáo dục Quốc gia, Cộng hoà Singapore
8. Trường ĐH Kasetsart, Vương quốc Thái Lan
9. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM, Việt Nam 

Là 1 mạng lưới khu vực, AsTEN mang sứ mạng cải thiện chất lượng cho việc đào tạo giảng viên qua các hoạt động hợp tác học thuật, giảng dạy, nghiên cứu, xuất bản, trao đổi giảng viên và sinh viên, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, tổ chức sự kiện văn hoá các quốc gia ASEAN, vv... Cải thiện chương trình đảm bảo chất lượng nhằm nâng cao chất lượng chương trình đào tạo ngành sư phạm cũng là vấn đề trọng tâm nhằm tìm ra những giải pháp cho các vấn đề và thách thức liên quan chương trình đào tạo giảng viên, kế hoạch thực tập sư phạm, hoạch định chính sách trong khu vực ASEAN. Với sứ mạng như trên, AsTEN nhắm đến những mục tiêu: (1) Thiết lập 1 mạng lưới kết nối các trường/viện giáo dục sư phạm trong và ngoài khu vực ASEAN tạo diễn đàn cho thảo luận, trao đổi ý tưởng, vạch ra hành động chiến lược và chính sách cải cách giáo dục; (2) Thúc đẩy công tác nghiên cứu về giáo dục sư phạm, giảng dạy; (3) Phát triển công tác truyền bá kiến thức, thông tin qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu mang tính quốc tế và xuyên quốc gia giữa các trường, viện sư phạm; (4) Tăng cường hiểu biết về lịch sử, văn hoá, truyền thống, các giá trị của các quốc gia ASEAN như là đưa các chủ đề này vào chương trình đào tạo (cơ bản không chỉ cho ngành sư phạm mà cà các ngành đào tạo khác); (5) Tạo nên sự đoàn kết và gắn kết giữa các học giả, chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong khu vực và khắp thế giới; (6) Phát triển nguồn nhân sự chuyên ngành Sư phạm trong khu vực qua việc đưa ra những cải tiến, những sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng trong lãnh vực sư phạm.

Mục đích chính của AsTEN là nhằm tạo ra một cộng đồng ASEAN hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau phát triển vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng khu vực – nơi mọi người dân có thể sống hòa thuận với nhau, cùng nhau chia sẽ những ước mơ và hy vọng để hướng đến hình thành nền an ninh và hòa bình thế giới. 

Sự quyết tâm thực hiện sứ mạng và những mục tiêu nêu trên đã được thể hiện qua việc ký kết Văn bản thoả thuận hợp tác (MoU) và Hiến chương AsTEN vào ngày 17-9-2014 giữa 9 lãnh đạo các Trường/Viện thành viên.
     

9 đại diện cho 9 thành viên của Mạng lưới AsTEN trong Lễ thành lập AsTEN, ngày 17-9-2014
 

Phiên họp chính thức của Hội nghị Hiệu trưởng lần thứ nhất

Để hiện thực hóa sứ mệnh ấy, AsTEN đã và đang: 
A. Tiến hành 5 dự án nghiên cứu về:
1. Những sáng kiến trong sư phạm và vấn đề đánh giá (dành cho các trường đại học ASEAN)
2. Đa văn hoá và giáo dục công dân toàn cầu trong việc phát triển ngành sư phạm tại các quốc gia ASEAN
3. Chất lượng và năng lực của các giảng viên dạy ngôn ngữ và nghệ thuật trong khu vực ASEAN dựa trên nhu cầu (tính đến việc trao đổi giảng viên giữa các quốc gia)
4. Phát triển sư phạm toán và các ngành khoa học tự nhiên ở 1 số quốc gia ASEAN
5. Vấn đề triết lý giảng dạy của các trường sư phạm ASEAN

B. Thành lập Chuyên san sư phạm ASEAN (The ASEAN Teacher Education Journal, AsTEN journal) – chuyên san quốc tế liên ngành xuất bản mỗi năm 2 lần, tập hợp những sáng kiến của các học giả nhằm tạo ra 1 diễn đàn học thuật tập trung vào nghiên cứu và xuất bản, học bổng cho việc đào tạo giảng viên, vấn đề lãnh đạo, chương trình đào tạo, các chương trình trao đổi, đảm bảo chất lượng, …. Theo đó, các bài tham luận sẽ tập trung vào các chủ điểm: a) Những sáng kiến trong giảng dạy và học tập; b) Năng lực lãnh đạo trong việc phát triển ngành sư phạm; c) Quốc tế hoá; d) Ngành sư phạm và xã hội; e) Các vấn đề phát sinh trong ngành sư phạm; etc. Ban cố vấn của Chuyên san là Hiệu trưởng/Viện trưởng của các Trường/Viện thành viên đại diện cho 9 quốc gia ASEAN. Hiện nay, Chuyên san AsTEN đang chuẩn bị ra số thứ nhất. 

C. Xúc tiến cuộc họp lần thứ nhất về vấn đề hợp tác nghiên cứu quốc tế (17-18/8/2015) tại Manila, Philippines. Cuộc họp tập trung triển khai 5 dự án nghiên cứu nêu trên. Trong đó, đại diện cho Việt Nam, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM tham gia 2 dự án số 1 và 5.

D. Tiến hành Hội nghị bàn tròn AsTEN lần thứ nhất (27-28/8/2015) tại Manila, Philippines. Chủ đề của Hội nghị Chương trình đào tạo cao học ngành sư phạm và khả năng hợp tác giữa các Trường/Viện thành viên AsTEN, với các cơ quan sư phạm tại châu Á và Thái Bình Dương. Hội nghị cũng thảo luận về những thách thức và tìm ra các giải pháp khả thi.

E. Tổ chức Hội nghị các Hiệu trưởng AsTEN lần thứ 3 (tính đến năm 2015). 

 

Hội nghị các Hiệu trưởng AsTEN lần thứ 3 được tổ chức tại Bandung, Indonesia vào  ngày 28-7-2015.

 

Giao lưu trao đổi quà lưu niệm giữa Hiệu trưởng các Trường Đại học AsTEN

Tiếp theo Hội nghị các Hiệu trưởng là Hội thảo Khoa học quốc tế “Xây dựng chuẩn đào tạo ngành sư phạm tại các quốc gia ASEAN” được tổ chức vào ngày 29-7-2015. Trong Hội thảo lần này, Hiệu trưởng PGS.TS. Võ Văn Sen đã có bài tham luận về vấn đề Giáo dục sư phạm tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ASEAN. Bài tham luận chủ yếu phân tích tình hình giáo dục của ngành sư phạm Việt Nam từ những năm thực hiện đổi mới (cuối những năm 1980) đến nay, các vấn đề liên quan và những tồn đọng cần giải quyết và đề xuất một số giải pháp. Bài tham luận cũng trình bày Chương trình hành động của ngành giáo dục thực hiện chiến lược phát triển ngành giáo dục Việt Nam 2011-2020. Tham luận đặc biệt nhấn mạnh vai trò nghiên cứu và tầm quan trọng và chiến lược của ngành sư phạm (Khoa Giáo dục) của Nhà trường.

Sau phiên toàn thể, 3 tiểu ban tập trung thảo luận 3 chủ đề: Hệ thống văn bằng trong giáo dục tại các quốc gia ASEAN (ASEAN Qualification Framework in Education), Đảm bảo chất lượng và kiểm định (Quality Assurance and Accreditation) và Đào tạo tham vấn viên (Counselor Education).
 

Như vậy, sau hai ngày làm việc sôi nổi, Hội nghị các Hiệu trưởng lần thứ 3 và Hội thảo khoa học quốc tế đã kết thúc thành công tốt đẹp. Hội nghị các Hiệu trưởng lần thứ 4 và Toạ đàm khoa học quốc tế sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM vào năm 2016. Cũng theo lộ trình, Nhà trường đã đăng cai tổ chức Lễ hội văn hoá các quốc gia ASEAN vào năm 2017.
 

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TRƯỜNG ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 10465069

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.