"Điểm sàn" đại học:15, cao đẳng:12

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT thì cả nước có trên 726.000 thí sinh dự thi tại các cụm thi do ĐH chủ trì, tương đương với 70% số thí sinh cả nước tham dự kỳ thi THPT quốc gia. 

Chiều 28-7, hội đồng xây dựng ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào Bộ GD-ĐT đã quyết định mức 15 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển vào ĐH (trong đó gồm cả các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D) và 12 điểm cho các tổ hợp xét tuyển CĐ.

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT thì cả nước có trên 726.000 thí sinh dự thi tại các cụm thi do ĐH chủ trì, tương đương với 70% số thí sinh cả nước tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Đây cũng là số thí sinh có thể tham gia xét tuyển ĐH, CĐ bằng kết quả của kỳ thi này. Với đặc thù của kỳ tuyển sinh năm nay, ngoài cơ sở dữ liệu điểm thi của thí sinh và chỉ tiêu cả nước (trừ số chỉ tiêu của các trường có đề án tuyển sinh riêng), Bộ GD-ĐT phải áp dụng giải pháp kỹ thuật để loại trừ thí sinh ảo (do mỗi thí sinh đăng ký nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau), xem xét trên số thí sinh dôi ra từ 1,2 - 1,8 tùy theo từng tổ hợp môn thi để quyết định ngưỡng điểm tối thiểu đảm bảo chất lượng đầu vào cho hệ ĐH và CĐ.

Ngưỡng duy nhất

“Nếu các năm trước chỉ có năm khối thi truyền thống thì năm nay có khoảng 15 tổ hợp môn thi phổ biến mà nhiều trường cùng sử dụng, chưa kể một số tổ hợp khác được một số ít trường áp dụng. Việc xác định một ngưỡng điểm duy nhất cho tất cả các tổ hợp môn thi là một cải tiến quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét tuyển và đảm bảo chất lượng chung” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết sau cuộc họp về ngưỡng điểm tối thiểu đảm bảo chất lượng đầu vào.

Theo ông Ga, hội đồng đã chọn một ngưỡng điểm trung gian của tất cả các tổ hợp, vì có những tổ hợp mà điểm trung bình lên đến 18, nhưng cũng có những tổ hợp ở mức 14 - 15 điểm.

“Nếu chúng ta chọn quá nhiều ngưỡng ở mỗi tổ hợp sẽ phức tạp, gây rối, không cần thiết. Thực tế thì các trường sẽ xét tuyển lấy từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu, nên ngưỡng ở mức nào cũng không quá ảnh hưởng đến thí sinh” - ông Ga nhấn mạnh.

Ông Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - cho hay: năm 2015, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH ở các trường trên cả nước khoảng 400.000.

Trong đó, có khoảng 350.000 chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, và khoảng 50.000 chỉ tiêu dành cho các trường có phương án tuyển sinh riêng, xét tuyển bằng kết quả học tập ở THPT. Theo đó, “điểm sàn” này được áp dụng trong xét tuyển 350.000 chỉ tiêu ở các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cũng nhận xét đây là năm đầu tiên có nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển nhưng lại chỉ có một ngưỡng điểm tối thiểu đảm bảo chất lượng, chứ không phân chia ra nhiều mức điểm khác nhau tương ứng với các tổ hợp khác nhau như trước đây.

“Đây cũng là năm đầu tiên “cán ngưỡng” 15 điểm xét tuyển ĐH, cao hơn ngưỡng các năm trước 
1 - 2 điểm. Hi vọng với ngưỡng điểm này, chất lượng đầu vào tối thiểu của các trường trên cả nước sẽ được nâng lên”, TS Nghĩa nói.

Gần 200.000 thí sinh không đạt điểm xét tuyển ĐH

TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết giải pháp kỹ thuật của Bộ GD-ĐT năm nay đã giải quyết được triệt để tình trạng thí sinh ảo. Khi tính toán số liệu để xây dựng ngưỡng điểm trên, thí sinh dù đăng ký vào nhiều tổ hợp khác nhau cũng chỉ được tính một lần đăng ký xét tuyển.

Vì thế, số lượng thí sinh làm căn cứ để xây dựng ngưỡng điểm là chính xác. Việc này không thể giải quyết được ở các năm trước khi thí sinh dự thi nhiều đợt, mỗi đợt một kết quả thi khác nhau.

Giải đáp băn khoăn của Tuổi Trẻ về việc xây dựng một “điểm sàn” duy nhất, trong khi phổ điểm các môn thi có chênh lệch rõ rệt, các tổ hợp môn thi có kết quả thấp có thể gặp khó khăn, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Bộ GD-ĐT đã thống kê kết quả thi của thí sinh và thấy rõ số thí sinh đạt mức điểm trên ngưỡng 15 điểm với ĐH và 12 điểm với CĐ là cao.

Theo đó, với mức “điểm sàn” này, có hơn 530.000 thí sinh có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm bằng hoặc cao hơn 15 điểm. So với chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, số thí sinh này nhiều gấp 1,52 lần. Vì thế không quá ngại việc các trường thiếu nguồn tuyển.

Tuy nhiên, với mức ngưỡng tối thiểu phải đạt 15 điểm mới được tham gia xét tuyển vào ĐH, thì có khoảng 27% thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ không đạt ngưỡng để xét tuyển vào các trường ĐH.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng nói thêm: theo thống kê ở từng môn thi, mức điểm hợp lý để tính ngưỡng điểm sàn dao động từ 14 - 18 điểm. Hội đồng xây dựng ngưỡng điểm tối thiểu đảm bảo chất lượng đã quyết định mức điểm trung gian trong khoảng dao động trên, để đảm bảo tính khả thi cho việc xét tuyển ở tất cả các tổ hợp.

Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Đức Nghĩa cũng chia sẻ Bộ GD-ĐT chỉ xem xét trên dữ liệu kết quả thi của thí sinh cả nước để tính toán số thí sinh dôi ra so với ngưỡng điểm tối thiểu.

Nhưng trên thực tế, khó có thể tính toán được chính xác khả năng di chuyển của thí sinh giữa các vùng, miền. Ví dụ, thí sinh ở TP.HCM không muốn di chuyển đến các trường ĐH khu vực đồng bằng sông Cửu Long, thí sinh ở Hà Nội không di chuyển đến các trường khu vực miền núi phía Bắc...

Vì thế, khả năng thiếu nguồn tuyển cũng có thể xảy ra đối với một số trường ở các vùng khó khăn, thiếu sức hút.

“Bộ GD-ĐT đã có quy định các trường khu vực “ba Tây” (Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ) được phép xét tuyển với mức điểm tối thiểu thấp hơn ngưỡng điểm tối thiểu của cả nước 1 điểm, nhằm tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh, đảm bảo yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho các vùng khó khăn” - TS Nghĩa cho biết.

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

Nguồn: Báo Tuổi trẻ ngày 29/7/2015

Liên kết

Mạng xã hội

Fanpage Đoàn Hội Khoa Giáo dục

Khách ghé thăm

  • Tổng cộng:: 10666045

Liên hệ

Khoa Giáo dục

Phòng A.314, 10-12 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: 08. 3829 3828 - số nội bộ 132

Email: giaoduc@hcmussh.edu.vn

Education - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.